Gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách của cuộc đời một con người. Con người từ lúc sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, được bú dòng sữa mẹ, nghe tiếng ru hời của mẹ là bắt đầu tiếp thu văn hoá gia đình, văn hoá dân tộc. Từng phút từng dây, cha mẹ truyền cho con những tình cảm, nhận thức ý nghĩa của cuộc đời và những ước mơ cho con trưởng thành, khôn lớn. Tiếng hát ru ngọt ngào đầm ấm của người mẹ mạng nặng đẻ đau. Phải có một tâm hồn thật cao cả, mới nói hết được tình cảm của người mẹ đối với con cái. Lời ru đi liền với dòng sữa mẹ, cùng với bàn tay vỗ nhẹ cánh võng đu đưa, hoà lẫn với tiếng gió, tiếng mưa, tiếng chày giã gạo, tiếng trâu, tiếng nghé ọ, tiếng chim kêu thánh thót, hoà lẫn với ánh trăng, đã đưa giấc ngủ của bé bay bổng diệu kỳ.
Lời hát ru của mẹ, của ông, của bà và những lời hát dạy bảo khác, không hiểu con có nghe không, nhưng tất cả đều là lời hay lẽ phải, những ước mong để con giữ mãi trong lòng và mang theo suốt cả cuộc đời. Lời ru con là truyền cho con sự yên bình, con ngủ rồi mẹ vẫn ru, ru để đưa con vào giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn.
Người mẹ ru những gì? Trước hết là tình thương yêu bao la, niềm biết ơn, lòng kính trọng đối với cha mẹ, ông bà; đó là những lòng mong ước con chóng lớn, trưởng thành nên người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Người mẹ ru đã dồn hết tình thương yêu bao la, niềm biết ơn, lòng kính trọng đối với cha mẹ, ông bà; đó là những lòng mong ước con chóng lớn, trưởng thành nên người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Những lời hát ru là đúc kết những tri thức dân gian hội tụ hàng ngàn năm của một dân tộc, nó nằm trong dân ca, ca dao, tục ngữ của làng mình, của quê hương mình, của dân tộc mình:
À ời….à ơi….
Ru con con ngủ cho say
Giấc mơ mơ thiếp mẹ đây con này
À ời….à ơi….
Ru con con ngủ cho ngoan
Để mẹ đi chợ buổi tan mẹ về
À ời….à ơi….
Ru con con ngủ cho muồi
Mai này khôn lớn con thời nhớ ghi
À ời….à ơi….
Công cha như núi Thành Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Nghiên cứu các làn điệu ru con, chúng tôi thấy bài ca ‘’ Phụ tử tình thâm’’ được lưu truyền sâu đậm nhất trong vùng Nghệ Tĩnh, các bà mẹ xứ Nghệ hát ru bài Phụ tử tình thâm phần nhiều.
‘’ Ru hời, ru hỡi, ru hời…
Phụ tử tình thâm
Công thầy nghĩa mẹ
Đừng tiếng tăm lạng lời
Đừng cả tiếng dài hơi
Nói mẹ cha sao phải
Cãi mẹ thầy sao phải’’
Cái hay là những lời hát ru của các bà, các mẹ trong thôn xóm xưa luôn được hương ước bảo vệ. Hương ước làng Phúc Mỹ ( Hưng Nguyên) ghi: ‘’ Vào dịp cuối năm trong làng, ai có giọng hát ru con hay hoặc tìm ra các bài ru con hay của ông bà, cố nhân truyền lại, đều phải đem trình làng để ban thưởng’’; Hương ước làng Phú Đa ( Quỳnh Lưu) ghi ‘’ Trong làng có ai sưu tầm được nhiều bài vè, ca dao hay về hát ru đem đến trình làng đều được ban thưởng…’’
Qua một số quy định trong quy ước về loại trừ các hủ tục xấu trong gia đình của làng xã Nghệ An thưở xưa, ta thấy cha ông chúng ta luôn ý thức được nề nếp sống phong tục của mình và luôn luôn điều chỉnh phong tục theo hướng thuần phong mỹ tục lối sống gia đình đẹp.
Rất tiếc là sau cách mạng tháng 8/1945, do những nhận thức chưa đúng với di sản của xã hội cũ, chúng ta đã bỏ qua một mảng tri thức dân gian về quản lý cộng đồng, quản lý gia đình, một mảng của văn hoá quản lý truyền thống có những mặt hợp lý, tích cực và chắc chắn còn có tác dụng trong việc quản lý xã hội mới. Bác Hồ có lần đã nói: ‘’ Hương ước là những phong tục hay của nông thôn nước ta trước đây. Từ sau cách mạng các chú đem xoá bỏ cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xoá bỏ cái xấu, cái dở và giữ lại cái tốt cái hay ‘’
Qua các điều trên, ta thấy có cả phần căn cốt của truyền thống và cả phần cải biên, tức là đưa cái mới vào phong tục cho phù hợp với thời đại. Và nếu so với cuộc vận động ‘’ Xây dựng nếp sống mới, nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng văn hoá’’ của ta từ mấy chục năm nay, thì nội dung Hương ước vẫn còn nguyên giá trị và đó là bài học dùng sức mạnh cộng đồng để tạo ra thuần phong mỹ tục.
Hiện nay nhà nước đã ban hành nhiều quy ước trong đó có quy ước về việc cưới, tang, ngày giỗ, ngày hội, gia đình hạnh phúc…có một số dòng họ lớn ở các địa phương cũng đã có một số quy ước riêng như lập quỹ khuyến học, khuyến tài để thưởng cho con cháu đỗ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…khen thưởng cho những gia đình có đạo đức lối sống lành mạnh.
Đến nay việc soạn thảo các quy ước gắn liền với “xây dựng gia đình văn hoá” đã trở thành phong trào rộng lớn, trở thành một thể chế quản lý có nhiều tác dụng tích cực trong việc làm chuyển biến tình hình kinh tế xã hội nông thôn. Điều đáng mừng là các bản quy ước mới đã kế thừa một số nội dung tích cực của hương ước cũ. Tuy vậy cũng có một số điều chưa sát hợp với điều kiện của từng địa phương, một số điều còn trái với quy định của pháp luật, can thiệp sâu vào đời sống cá nhân. Tình hình trên đòi hỏi nhà nước cần có hướng dẫn soạn thảo quy ước, hương ước có nội dung sát thực địa phương, tôn vinh các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình cùng với pháp luật để quản lý tốt xã hội nông thôn, đưa nông thôn tiến nhanh trên con đường dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.