Thứ nhất, Xây dựng gia đình ấm no là điều kiện đầu tiên đảm bảo cho gia đình tồn tại, ổn định và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, tiến bộ. Kinh tế đầy đủ là yếu tố đảm bảo cho cuộc sống gia đình ổn định, phát triển và hạnh phúc. Sự nghèo đói là bạn đồng hành với tình trạng bất hòa, lục đục trong gia đình; cùng với đó nảy sinh nạn thất học, bỏ học, lang thang và tội phạm ở trẻ em. Trong hoàn cảnh gia đình túng thiếu, mỗi thành viên trong gia đình phải kiếm sống để tồn tại, lao động phải được ưu tiên lên hàng đầu. Sinh ra tình trạng người gìa không được chăm sóc, thậm chí phải lao động nặng nhọc; trẻ em không được đến trường, hoặc không được quan tâm giáo dưỡng đúng mức…Điều này không chỉ có khả năng phá vỡ các mỗi quan hệ trong gia đình mà còn lây lan, tấn công mạnh mẽ vào xã hội.
Vì vậy, muốn xây dựng gia đình ấm no phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình. Nhà nước cần phải có những chính sách năng động và cụ thể hướng vào việc phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có khả năng tự vận động, phát triển và vươn lên như hỗ trợ các gia đình, nhất là gia đình nghèo, về định hướng sản xuất; giúp đỡ vốn và công nghệ; tạo việc làm ổn định cho các gia đình. Phát triển kinh tế gắn với kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội.
Thứ hai, Xây dựng gia đình bình đẳng là cơ sở để đảm bảo cho gia đình được cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, trẻ em có cơ hội thỏa mãn những nguyện vọng, sở thích chính đáng, những yêu cầu hợp lý của sự phát triển toàn diện. Trước hết là mối quan hệ vợ chồng. Vì đây là quan hệ cơ bản có ý nghĩa to lớn đối với các quan hệ khác trong gia đình. Do đó, trong gia đình, vợ chồng phải thương yêu nhau, chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Thủy chung là nghĩa vụ của vợ chồng, phản ánh rõ nhất tình yêu sau hôn nhân. Sự bình đẳng, do đó, trước hết phải là sự công bằng về trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, trong đó có những nghĩa vụ, trách nhiệm được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; có những trách nhiệm, nghĩa vụ do phong tục tập quán, văn hóa truyền thống thừa nhận. Tôn trọng thực hiện quyền bình đẳng trong gia đình là điều kiện tốt nhất để xây dựng gia đình văn hóa.
Xây dựng gia đình bình đẳng, nghĩa là quan hệ giữa cha mẹ và con cái phải mang tinh thần dân chủ, yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm. Cha mẹ không phân biệt đối xử đối với con cái, nhất là giữa con trai với con gái, tôn trọng những suy nghĩ, nhu cầu chính đáng của các con. Chăm sóc, nuôi dưỡng các con thành người có ích cho xã hội là nghĩa vụ thiêng liêng của cha mẹ. Ngược lại, con cái phải biết hiếu thảo, kính trọng, nghe lời cha mẹ, giữ vững truyền thống tốt đẹp của gia đình. Khi cha mẹ về già, con cái phải yêu thương, chăm sóc phụng dưỡng.
Bên cạnh đó, trong gia đình phải xây dựng quan hệ giữa anh chị em với nhau. Nếu gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa ông bà với các cháu, chắt; giữa bố mẹ với con dâu; giữa cô, gì, chú bác… trên tinh thần bình đẳng, trách nhiệm để cho mỗi gia đình thực sự trở thành một tế bào thật sự lành mạnh của xã hội.
Thứ ba, Xây dựng gia đình tiến bộ là xây dựng gia đình thực hiện ngày càng tốt các chức năng của mình theo yêu cầu phát triển của xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến chức năng giáo dục thế hệ trẻ. Một gia đình tiến bộ là một gia đình mà ở đó các thành viên chung sống với nhau văn minh, nhân ái, khắc phục những tập quán lạc hậu, có ý thức phòng chống tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; thể hiện sự đồng lòng nhất trí, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng gia đình tiến bộ phải gắn liền với kế hoạch hóa gia đình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng của cuộc sống gia đình, đồng thời gia đình biết tạo môi trường văn hóa để cho các mối quan hệ bên trong, bên ngoài ngày càng tốt đẹp hơn. Sự tiến bộ của gia đình phải gắn liền với truyền thống dân tộc “tương thân, tương ái”, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn.
Thứ tư, Xây dựng gia đình hạnh phúc. Trước hết, đòi hỏi mọi thành viên phải được đảm bảo các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, được hưởng bầu không khí cởi mở, đầy tình thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình hạnh phúc còn được thể hiện ở sự thống nhất quan niệm về cuộc sống gia đình, tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước gia đình, người thân và xã hội. Đó là gia đình luôn yêu thương, tôn trọng nhau, các thành viên sống hòa thuận, các mối quan hệ được thực hiện dựa trên các chuẩn mực văn hóa, pháp lý và đạo đức.
Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ. Đó là những “gia đình văn hóa” trên cơ sở gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những lạc hậu, những tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của văn hóa thời đại. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.