Môi trường xã hội
Từ thời nguyên thuỷ đến thời đại ngày nay, loài người sở dĩ được sinh ra, tồn tại và phát triển được là do sự sinh tồn trong điều kiện lý tưởng mà không có một hành tinh nào có được: Môi trường tự nhiên của trái đất (nơi có đủ điều kiện để mọi sinh vật có thể tồn tại). Và từ đó loài người sinh sôi phát triển, hình thành xã hội. Cả hai môi trường có tác động tương hỗ: Môi trường xã hội là sản phẩm và chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, ngược lại, tự nhiên cũng chịu sự tác động (có mặt tích cực nhưng đáng buồn thay phần lớn là mặt tiêu cực) từ môi trường xã hội. Sự hình thành và phát triển nhân loại là một kỳ công của tạo hoá; khi con người có tư duy, trí tuệ thì con người nằm ở bậc thang cao nhất của giống loài, không gì sánh được. Đến lượt mình, môi trường xã hội lại tạo ra một hệ thống với hợp thể của các mối quan hệ cực kỳ đa dạng, phức tạp, bao gồm: xã hội – gia đình – cá nhân; chúng tạo một “bầu khí quyển” quan hệ trực tiếp, ảnh hưởng siêu mạnh đến mỗi người, hình thành nhân cách của mỗi người.
Môi trường xã hội vừa có mặt tĩnh, bất biến (bản chất người, tính văn hoá); chúng làm thành căn cốt của loài người để phân biệt con người với con vật nhưng vừa có những mặt động, hầu như biến đổi không ngừng (với hai trụ cột chính: đời sống vật chất và tinh thần). Xã hội càng phát triển thì sự tác động, ảnh hưởng đối với mỗi gia đình- mỗi cá nhân càng lớn.
Đặc trưng xã hội hiện nay
Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều thay đổi; từ đó xuất hiện những định danh mới trong thời kỳ đương đại: thế giới phẳng, thời kỳ hội nhập, thời đại toàn cầu hoá, cơ chế thị trường. Với sự biến đổi toàn diện và ngày càng sâu rộng như thế, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của xã hội loài người đã có những bước nhảy vọt theo hướng tích cực, tốt đẹp; cùng với đó, nhiều giá trị mới được xác lập để phù hợp với môi trường xã hội của thời đại mới. Nhưng bên cạnh mặt phát triển tích cực thì cũng nảy sinh những mặt tiêu cực bởi các tác nhân mà người ta thường gọi là do sự phát triển quá nóng hay mặt trái của cơ chế thị trường.
Suy cho cùng mọi sự việc trên thế giới này không có gì là hoàn hảo mà đều hàm chứa tính hai mặt (phải/trái, tốt/ xấu, tích cực/tiêu cực). Xã hội nào, cá nhân nào, thời đại nào cũng đối mặt và phải xử lý mối quan hệ giữa hai mặt đó.Với tính hai mặt như thế, nếu xử lý đúng, phù hợp để các mặt đối lập cùng “chung sống hoà bình” thì xã hội có sự hài hoà và phát triển; nếu xử lý không trúng các mặt xã hội trái chiều thì tạo sự đối lập, lớn hơn là xung đột, thậm chí là những bất ổn, khủng hoảng… Những thay đổi dẫn đến “xung đột” cơ bản nhất hiện nay, có lẽ không phải là của cải vật chất tăng lên (so với sự nghèo nàn trước kia) hay sự tiến bộ vượt bậc, tiện ích của kỹ thuật công nghệ (so với sự lạc hậu hay chậm tiến trước đây) mà có lẽ là “xung đột” của nhiều giá trị truyền thống với một số giá trị mới được xác lập trong thời kỳ đương đại, đó là: Truyền thống và hiện đại, tinh thần và vật chất; xã hội và cá nhân, nghèo và giàu, v.v… Vế sau của các cặp trên có hướng nổi trội, tạo ra những hệ giá trị mới có mặt tích cực (khoa học công nghệ phát triển; đời sống vật chất và tinh thần phong phú, các tiện ích xã hội, liến kết xã hội tăng lên) nhưng cũng nảy sinh nhiều tiêu cực (môi trường sống bị huỷ hoại; phát sinh nhiều hệ luỵ (tệ nạn xã hội, thói đua đòi, lối sống thực dụng, ích kỷ, sống ảo)…
Suy cho cùng, nguyên nhân tạo ra xung đột hiện nay là mất cân bằng, thiếu hài hoà giữa các mặt đối lập mà xã hội thời nào cũng có, nhưng trong cơ chế thị trường thì những nguyên nhân này có phần trầm trọng hơn. Sự thay đổi và khác nhau ấy đang âm ỉ trong hệ thống và trong lòng mỗi hệ thống: Xã hội- gia đình- cá nhân.