Nhằm nâng cao giáo dục đạo đức lối sống, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh, phát triển cho toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.
Phạm vi tăng cường tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình.
Mục đích nhằm tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị, đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Việc thực hiện phải được đánh giá và kiểm tra, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung các tiêu chí triển khai cụ thể:
* Tiêu chí ứng xử chung:
– Tôn trọng: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau.
– Bình đẳng: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.
– Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau.
– Chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
* Các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình được đưa ra như sau:
– Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình. Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau.
– Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương: Cha mẹ (gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ chồng), ông bà (nội, ngoại) làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; quan tâm, chăm sóc con cháu khi còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết giữa các thành viên trong gia đình.
– Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép: Con (gồm con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể), cháu (nội, ngoại) có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu.
– Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ: Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải, cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Thông qua việc thực hiên tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thúc đẩy việc giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình tốt hơn và góp phần ngày càng hoàn thiện văn hóa ứng xử.