Đối với mỗi cá nhân con người, văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường hàng ngày, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của người đó. Vì vậy, nền văn hóa trong gia đình ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, ngày nay, một bộ phận các gia đình công nhân lại chưa thực sự là nơi ươm mầm văn hóa ứng xử cho các thành viên trong gia đình.
Chồng đi làm khu công nghiệp, vợ con ở quê; hay cả chồng và vợ sống ở nhà trọ tha hương, gửi các con ở quê cho ông bà… Đó là tình cảnh của không ít gia đình công nhân hiện nay. Tất cả họ đều khao khát gia đình sum vầy, cùng nhau chia sẻ những vui buồn hằng ngày, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ không có lựa chọn nào khác…
Với ứng xử văn hóa trong gia đình, khó có thể phủ nhận một sự thật là đã và đang có không ít bậc cha mẹ sao lãng vai trò nêu gương, chưa coi gia đình là “bệ phóng văn hóa” đưa con cái đến với xã hội. Với một số gia đình nghèo, khi cha mẹ bị cuốn vào cuộc mưu sinh thì rất dễ trễ nải trong dạy bảo con cái về văn hóa ứng xử. Để rồi khi quan hệ cha mẹ – con cái vận hành lỏng lẻo thì việc đào luyện, thu nạp các khuôn mẫu ứng xử ít được coi trọng; khi trưởng thành và tham gia hoạt động xã hội, người con hoặc thiếu tỉnh táo khi cần phải lựa chọn ứng xử phù hợp; hoặc ứng xử theo ý muốn, sở thích chủ quan và ích kỷ của cá nhân; hoặc sử dụng thái độ, hành vi, ngôn từ “phản văn hóa” ứng xử với người khác…
Vì thế như tiền nhân đã nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi cố gắng tìm nguyên nhân từ ngoại cảnh, hoặc nỗ lực truy nguyên từ kinh tế thị trường, mỗi người cần xem lại chính mình để nhận ra bản chất của vấn đề, tự nhận biết bản thân đã thực sự nêu gương trong ứng xử văn hóa hay chưa, đã làm gì để con em nhận thức được rằng, muốn ứng xử một cách có văn hóa trong xã hội, trước hết mỗi người phải là con người văn hóa.
“Viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho ứng xử văn hóa của cá nhân bao giờ cũng bắt đầu từ “lò” đào luyện văn hóa ứng xử là gia đình. Nếu ngay từ nhỏ mỗi người được đào luyện một cách nghiêm túc, thì lớn lên, họ sẽ có nhận thức nghiêm túc, tạo lập được nền tảng cơ bản để khi ứng xử trong xã hội sẽ đáp ứng được các yêu cầu của văn hóa; còn nếu quá trình đó thiếu hụt, khiếm khuyết, thì cá nhân rất khó có thể tự giác thu nạp, thực hành ứng xử theo khuôn mẫu, chuẩn mực văn hóa được cộng đồng xác định. Chính vậy, các gia đình công nhân cần quan tâm hơn nữa trong nét văn hóa ứng xử trong gia đình để làm gương cho con cháu, để mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được gắn bó, cảm thông lẫn nhau.