Ngày 22/02/2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản số 139/SVHTT-NVVH về việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, cụ thể như sau:
Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ chị số 08/CT-TTg ngày 04/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”; Công văn số 2351/UBND-KGVX ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021.Tổ chức các hoạt động trong “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” (15/5-30/6) và hưởng ứng “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” (25/11). Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
Truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Tổ chức các hoạt động thực hiện Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 76 KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hảnh Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) và Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam” (28/6).
Phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình: Đẩy mạnh triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em, trang bị cho các thành viên gia đình những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Thanh tra, kiểm tra chuyên đề và chỉ đạo, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại trẻ em và bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình. Thống kê, tổng hợp, theo dõi và có các giải pháp tuyên truyền phù hợp nhằm giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện thu thập thông tin, báo cáo về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức hoạt động truyền thông về đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”: Đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cần thiết để triển khai tổ chức các hoạt động công tác gia đình để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình tại địa phương.