Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) qua các phương tiện truyền thông đại chúng: đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh. Trao tặng Giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao cho 11 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, có nhiều đóng góp tích cực cho công tác gia đình trong năm vừa qua. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 105 cuộc truyền thông, tư vấn về sức khỏe sinh sản; pháp luật phòng chống bạo lực gia đình cho gần 114.800 lượt hội viên, phụ nữ, công nhân khu công nghiệp Phú Bài; giáo viên, bảo mẫu của 13 nhóm trẻ tư thục tại khu công nghiệp; kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cho gần 13.500 em học sinh trên địa bàn 9/9 huyện, thị, thành phố. Sở Tư pháp tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới, pháp luật về hôn nhân và gia đình và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng của các Bộ liên quan trong lĩnh vực PCBLGĐ, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Năm 2020, đã tổ chức 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 160 hòa giải viên thuộc các Tổ hòa giải của các các huyện thị xã, thành phố Huế tại huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, thành phố Huế và huyện A Lưới. Phát hành 04 tờ gấp pháp luật về hòa giải ở cơ sở (45.000 tờ). Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ quan xuất bản, in, phát hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật PCBLGĐ và các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chọn địa điểm và triển khai thí điểm mô hình Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh cộng đồng tại xã Lộc Điền – huyện Phú Lộc. Năm 2020, tiếp tục triển khai mới một mô hình Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà. Sở Y tế phối hợp trong việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong năm 2020, đơn vị Giám định Y khoa trực thuộc Sở Y tế đã tiến hành giám định 20 trường hợp bị xâm hại tình dục, 05 trường hợp bạo lực gia đình.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyên truyền, phân phối “Sổ tay công tác gia đình”, “Văn bản Quản lý Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa và gia đình”;… cho cán bộ VHXH ở cơ sở để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động. Nhân rộng Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hỗ trợ sinh hoạt của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và hỗ trợ các nhóm PCBLGĐ. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 48 Mô hình PCBLGĐ; 155 CLB Gia đình phát triển bền vững; 259 nhóm PCBLGĐ; 485 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 243 đường dây nóng để tiếp cận nhanh các vụ việc bạo lực tại các thôn, tổ dân phố.