Gia đình là môi trường đầu tiên và mắt xích quan trọng trong sự phối hợp giữa các môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường- xã hội. Giáo dục về bình đẳng giới cũng vậy. Điều đó rất dễ giải thích, vì gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục con người cả về tư tưởng, đạo đức, tình cảm con người. Trong gia đình có bình đẳng giới, các thành viên nhận thức được rõ ràng về vị trí, vai trò của mình thì ra đến môi trường xã hội, các thành viên đó biết cần làm thế nào để thực hiện bình đẳng giới với bạn bè, đồng nghiệp và cả gia đình nhỏ của mình khi đến tuổi trưởng thành và kết hôn.
Từ khi sinh ra, nhận thức của trẻ được hình thành cùng với sự phát triển về thể chất. Ngay từ khi mới chào đời, trẻ đã có những nhận thức cơ bản (bú mớm, bện hơi mẹ, nhận biết người thân…), dần dần theo thời gian cùng với sự phát triển về trí não, sự tác động của môi trường sống xung quanh (hay còn gọi là xã hội hóa) nhận thức của trẻ sẽ có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Từ lứa tuổi mầm non (3-4 tuổi) trẻ đã biết phân biệt giới tính nam- nữ, và từ đó hình thành những kiến thức về giới. Ở lứa tuổi này, bé gái đã biết thích mặc váy, thích chơi búp bê, nấu ăn, thích làm công chúa…còn bé trai lại thường thích chơi ô tô, đá bóng thậm chí súng, gươm….Đóng góp phần lớn trong sự nhận thức này là từ gia đình. Cụ thể, khi ở nhà, trẻ thường thấy bố làm những việc nặng nhọc khác như bưng bê, sửa máy móc thiết bị…còn mẹ hầu hết sẽ làm công việc nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…Tất cả những điều này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ ghim sâu vào trí óc của trẻ, và nhận thức về vai trò giới từ đó được hình thành. Ngoài ra, tư tưởng, tình cảm của các thành viên trong gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức về giới của trẻ. Gia đình có bố mẹ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc tác động tích cực đến nhận thức về bình đẳng giới của trẻ. Hay việc bé gái và bé trai được đối xử bình đẳng, yêu thương, quan tâm chăm sóc như nhau thì nhận thức về vị trí, vai trò của của trẻ rất rõ ràng, từ đó khi trưởng thành sẽ dễ trở thành một người văn minh, tự tin và hạnh phúc.
Xin kết bằng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Vận dụng ra, một xã hội mà ở đó tất cả các gia đình đều có bình đẳng giới thì xã hội đó dễ dàng thực hiện bình đẳng giới. Vì vậy, cần làm tốt vai trò giáo dục bình đẳng giới từ trong gia đình.