Như nhiều người đã biết, một trong các chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục, xã hội hoá con người. Chức năng này giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của một gia đình, một dòng tộc và của quốc gia. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã xác định vai trò quan trọng của gia đình đối với việc xây dựng nhân cách con người“gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
Tiếp cận từ giác độ của giáo dục, có thể khẳng định gia đình – môi trường đầu tiên mang tính quyết định đối với sự hình thành nhân cách con người từ thủa lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Nói một cách khác, gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất đặt nền móng và ảnh hưởng có tính tương đối bền vững sau này với nhân cách con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”. (Nửa đêm-Nhật ký trong tù)
Hai câu thơ đã thể hiện quan điểm của Bác về sự hình thành và phát triển nhân cách của con người dưới sự ảnh hưởng của yếu tố giáo dục và môi trường giáo dục. Với ý nghĩa đó thì không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình và văn hoá gia đình thuận lợi.
Dân gian có câu: “Dạy con từ thủa còn thơ”. Tuổi thơ là quãng thời gian mỗi đứa trẻ với tư cách là thành viên gia đình gắn bó với cha mẹ nhiều nhất từ bữa ăn, giấc ngủ đến chơi đùa, học tập hay lao động. Tuổi thơ là giai đoạn quan trọng nhất hình thành nhân cách của một con người.
Nhiều nghiên cứu về giáo dục gia đình đã chỉ ra rằng: Một đứa trẻ được dạy khi thấy cha mẹ mệt phải tự biết làm việc nhà, giữ yên tĩnh, không quấy khóc hay đòi hỏi người lớn phục vụ thì khi lớn lên sẽ biết yêu thương và tôn trọng. Một đứa trẻ được dạy khi ăn phải vét thật sạch đến hạt cơm cuối cùng thì lớn lên sẽ thành người biết trân quý sức lao động cũng như người lao động, không phung phí thành quả lao động. Một đứa trẻ được ông bà, cha mẹ dạy quét nhà phải quét từng ngóc ngách, quét đường nhà mình phải quét cả lối đi chung cho hàng xóm thì lớn lên thành người có tính trách nhiệm với cộng đồng. Một đứa trẻ được dạy dỗ yêu thương con vật, không lấy sự hành hạ bất cứ con gì để làm trò vui của bản thân thì lớn lên sẽ có lòng nhân ái, tình thương yêu, và nó khó có thể làm điều ác. Một đứa trẻ được dạy biết khoanh tay chào người lớn, đi thưa về trình, biết hỏi han, quan tâm người thân thì lớn lên sẽ thành người có “hiếu, biết ơn”. Một đứa trẻ được dạy khi ăn phải biết trước biết sau, không khuấy đũa thìa, không đảo trộn thức ăn để chọn miếng ngon, không ăn uống nhồm nhoằm…khi ngồi, nằm không được dạng háng, khi vào nhà người khác không được đảo mắt nhìn quanh quất, không được tự ý xồng xộc vào phòng riêng, người ta cho quà bánh thì phải biết cảm ơn nhưng từ chối…. thì lớn lên sẽ thành người lịch sự, đường hoàng. Một đứa trẻ được dạy không được cười cợt trêu chọc khuyết điểm hình thể cũng như sai sót của bạn bè, phải biết bênh vực bạn bè, chia sẻ với bạn miếng quà, cây bút thì lớn lên sẽ là người có tính dũng cảm, biết chống lại bất công và yêu thương đồng loại.
Nhân cách là “hệ thống phẩm giá của một người, được đánh giá từ mối quan hệ giữa người đó với bản thân và với môi trường, là tư cách làm người, được hình thành và phát triển theo tiến trình sống của con người, là kết quả của quá trình giáo dục học tập và rèn luyện. Suy cho đến cùng sự thực hành lặp đi lặp lại các hành vi văn hoá, đạo đức chính là quá trình hình thành nhân cách một con người.
Nếu nhân cách được hiểu một cách đầy đủ như vậy thì sự dạy dỗ từ gia đình và việc thực hành những hành vi như thế ngay từ trong gia đình một cách thường xuyên là điều kiện hình thành nên nhân cách.