Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng, phát triển trên nền tảng giá trị truyền thống và những giá trị mới theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được tôn trọng và chia sẻ. Vai trò của phụ nữ được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định quan trọng của gia đình tăng lên. Tính dân chủ trong gia đình dần dần được xác lập, tiếng nói của con cháu được chú ý, gia đình đang trong quá trình chuyển động tới xã hội văn minh.
Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập, gia đình còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều người cho rằng, mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình; một số giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tình trạng bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm, nhưng còn xảy ra một số vụ nghiêm trọng ; khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng nới rộng; sự liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo; không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng… Thật ra, những biểu hiện này là có vì gia đình Việt đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ. Do vậy, thay vì lo lắng thái quá, chúng ta bình tĩnh nhận diện sự thay đổi và có những đối sách phù hợp.
Trước hết, cần phải nhận thấy: Gia đình Việt đang biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Sự biến đổi này mạnh mẽ đến nỗi 6 đặc trưng cơ bản của gia đình mà nhà tâm lý học Ngô Công Hoàn đưa ra trước đây đã trở nên lạc hậu hoàn toàn. Cụ thể, quan niệm:
1. Gia đình là một nhóm xã hội phải có từ 2 người trở lên đã không còn phù hợp với thực tế nữa, bởi vì hiện nay có rất nhiều người chọn lối sống độc thân;
2. Việc cho rằng, quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt huyết thống cũng không còn đúng nữa, bởi vì nhiều đôi vợ chồng không có khả năng sinh con, họ nhận và nuôi con nuôi;
3. Trong gia đình phải có giới tính (nam, nữ) – không hẳn như vậy, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính;
4. Các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý – cũng không đúng như vậy vì “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, anh em ruột vẫn có nhiều nhận thức khác nhau, cách đánh giá khác nhau về một vấn đề;
5. Gia đình phải có ngân sách chung – nay đã không đúng, không phù hợp vì nhiều gia đình mỗi người có tài khoản riêng;
6. Gia đình phải sống chung một nhà – cũng chưa vì những người trong một gia đình có thể sống ở hai, ba nơi khác nhau vì công việc.