Việt Nam ta từ xưa đến nay đều xem trọng truyền thống hiếu học, những người có học vấn thật sự là những con người đáng kính, có đức có tài thật sự. Truyền thống ở các làng xưa nay là sau khi đỗ đạt vinh quy bái tổ thì được khắc lên bia mộ của dòng họ. Đặc biệt, một số nơi nhân dân còn lập miếu thờ các vị ấy. Tuy nhiên, hiện nay trẻ em Nghệ An nói chung gần như không biết, không hiểu về những con người danh vang một thời như thế và nguy hiểm hơn nhiều gia đình khuyên con cháu không nên học nhiều, họ cho rằng có học nhiều cũng không kiếm được việc làm và kiếm được nhiều tiền. Hệ giá trị hiện nay đều quy đổi ra tiền, ra vật chất họ xem nhẹ giá trị của sự học của kiến thức thật sự, của đạo đức nhờ sự học mà được trau dồi, vun đắp. Khổng Tử nói “Ham đức nhân mà không học, gặp cái xấu che lấp là ngu muội. Thích trí tuệ mà không học, gặp cái xấu là phóng đãng. Trọng chữ tín mà không học, gặp tệ xấu là tổn hại. Ưa tính ngay thẳng mà không học, gặp cái xấu che khuất là nóng nảy. Ham đức dũng mà không học hỏi, gặp thói xấu là phản loạn. Tính cương quyết mà thiếu học hỏi, gặp cái xấu là thành cuồng bạo”. Như vậy, nếu một gia đình rất xem trọng truyền thống học tập thật sự (không phải chỉ học để cho có bằng cấp) sẽ giúp đứa trẻ rèn luyện tốt đạo đức của chính mình. Mặt khác, nếu như các làng, thôn bản khôi phục được truyền thống tôn vinh những người học giỏi, những người đỗ cao trong dòng họ mình một cách trang trọng vào các dịp giỗ tổ, họp Họ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Có câu nói rằng “Kẻ thiếu học thường trách người, kẻ học vừa thường trách mình, kẻ học cao không trách ai cả”. Khi con người xem trọng việc học, có đủ kiến thức sâu và rộng con người sẽ lựa chọn cách ứng xử mang tính đạo đức cao nhất.
Ảnh minh họa/Nguồn ảnh: giaoduc.edu.vn
Ví dụ: Đối với Nghệ An có nhiều gia đình, nhiều làng xã có truyền thống hiếu học nổi tiếng và thi đỗ khoa bảng như Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Theo khoa bảng danh trường biên của Hồ Sĩ Tôn, từ 1444 đến 1725, Quỳnh Đôi có hơn 700 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ. Cả huyện Quỳnh Lưu, tính từ thời Hậu Lê có 15 tiến sĩ, thì trong đó Quỳnh Đôi chiếm 12 vị. Ngoài ra phải kể đến Làng Trung Cần, Xuân Liễu, Xuân Hồ (Nam Đàn); Kim Khê, Đông Hải (Nghi Lộc); Võ Liệt, Đồng Văn, Đại Định (Thanh Chương); Lý Trai, Như Lâm (Diễn Châu); Quang Trung, Vân Tụ (Yên Thành); Văn Trường (Đô Lương),v.v. đều là những làng có nhiều người đỗ đạt cao. Ở đó truyền thống gia đình được giữ gìn và luôn được phát huy nhờ vào truyền thống học tập của mỗi nhà, dòng họ và cộng đồng.