Nạn nhân bạo lực gia đình là người bị tổn hại về sức khoẻ, tính mạng, bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm và các tổn hại khác do hành vi bạo lực gia đình gây ra. Việc quy định các quyền của nạn nhân bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền tự bảo vệ mình như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh (nhà tạm lánh), được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác và các quyền khác theo quy định của pháp luật; nạn nhân bạo lực gia đình cũng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Bảo vệ nạn nhân
Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện thông qua các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn như phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình, thực hiện cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình và các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình, cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình (cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân).
Đối với biện pháp cấm tiếp xúc nạn nhân bạo lực gia đình, đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và chỉ được áp dụng trong trường hợp gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân nhằm bảo vệ nạn nhân, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng hơn nữa có thể xảy ra. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và Toà án là những cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Điều kiện để áp dụng quy định này gồm:
Nạn nhân bị tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Có đơn yêu cầu của nạn nhân, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình.
Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình. Thẩm quyền quyết định cấm tiếp xúc của Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự về các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài ra phải huỷ hỏ biện pháp cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc khi người ra quyết định cấm tiếp xúc nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết.
Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ cho nạn nhân như: Chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình; Hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu và nơi tạm lánh.
Luật quy định cụ thể việc trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Các tổ chức, cơ sở có trách nhiệm trợ giúp bao gồm: Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.