Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến cáo 2 cấp độ quyết định bảo vệ: (1) Quyết định khẩn cấp theo đề nghị của một bên; (2) Quyết định bảo vệ dài hạn hoặc thường xuyên. Đề nghị của một bên tức là không cần thông báo trước cho bị đơn mà chỉ hoàn toàn dựa trên đề nghị của nạn nhân.
Ở nhiều nước, những tình huống dẫn tới việc ban hành quyết định bảo vệ nạn nhân BLGĐ có thể được ban hành ngay cả khi hành vi bạo lực chưa đến mức nghiêm trọng. Việc ban hành quyết định bảo vệ có thể được thực hiện mà không cần chứng cứ thương tích. Thời hạn quyết định bảo vệ được Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến nghị là 10 ngày, tuy nhiên mỗi quốc gia khác nhau có những quy định thời hạn khác nhau. Các nước Úc, Nam Phi, các bang của Hoa Kỳ áp dụng theo đúng khuyến nghị của Liên hợp quốc, còn Philippines thì thời hạn áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định là 15 ngày, Kosovo là 20 ngày, Campuchia là 60 ngày.
Các quy định về thời hạn bảo vệ dài hạn cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia như NewZealand, Nam Phi, Philippines không quy định cụ thể thời gian, quyết định có thể vô hạn cho đến khi một trong hai bên vợ chồng đề nghị ra Tòa án để bãi bỏ. Một số nước như Đài Loan, Malaysia, Kosovo thì quy định thời hạn là 12 tháng, còn Campuchia quy định là 6 tháng.
Các điều kiện được áp đặt trong quyết định bảo vệ thường bao gồm: Cấm thực hiện bất cứ hành vi bạo lực nào mới; cấm tiếp xúc với nạn nhân; yêu cầu người vi phạm ra khỏi nhà (Philippines, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan,..); cấp dưỡng tạm thời (như một phần của quyết định bảo vệ: Mỹ, Úc, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Nam Phi, Kosovo…); quyết định giao trông nom trẻ; tịch thu vũ khí; yêu cầu cảnh sát hộ tống nạn nhân để lấy đồ đạc, vật dụng cá nhân.
Về chế tài đối với vi phạm quyết định bảo vệ, Malaysia quy định trong thời hạn 24h kể từ khi quyết định bảo vệ hoặc quyết định bảo vệ tạm thời được ban hành, luật sư nơi Tòa án ban hành quyết định bảo vệ gửi một bản sao cho sỹ quan chỉ huy của cảnh sát cấp huyện nơi người cư trú. Kosovo thì quy định trong vòng 24 giờ, Tòa án phải chuyển quyết định cho nạn nhân, người vi phạm, Đồn cảnh sát địa phương và Trung tâm phụ trách công tác xã hội. New Zealand, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Úc, Nam Phi Một và nhiều bang của Hoa Kỳ cũng quy định rõ về trường hợp vi phạm quyết định bảo vệ. Theo đó, trường hợp vi phạm thì được coi là một tội phạm bị xét xử độc lập và riêng biệt, người vi phạm sẽ phải chịu phạt tiền hoặc tù.
Tại Việt Nam, biện pháp bảo vệ khẩn cấp và bảo vệ dài hạn cũng được quy định thông qua việc cấm tiếp xúc giữa người gây BLGĐ với nạn nhân BLGĐ. Thời hạn áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc do chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định cấm tối đa là 3 ngày, còn Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành tối đa là 4 tháng. Luật cũng đã quy định về vi phạm cấm tiếp xúc, tuy nhiên, Luật chỉ quy định vi phạm cấm tiếp xúc của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã còn vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án thì chưa được đề cập. Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này là xử lý hành chính. Như vậy, so với Luật mẫu và Luật PCBLGĐ của một số nước thì Luật PCBLGĐ của Việt Nam chưa đảm bảo tính răn đe và chưa thực sự bảo vệ được nạn nhân BLGĐ. Mặt khác, các quy định trong Luật hiện hành của Việt Nam còn nặng về thủ tục hành chính và nạn nhân thường phải là người ra khỏi nhà khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc.