Cần tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ thống những quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước về vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống xây dựng nhân cách người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó, trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, kế hoạch liên quan…. cần có chỉ số đo lường nhiệm vụ và kết quả hoạt động.
“Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. (Khoản 2 Điều 1 Luật PCBLGĐ 2007). Nguyên nhân gây ra BLGĐ thì có nhiều, song nguyên nhân gốc rễ là từ nhân cách, lối sống, kỹ năng ứng xử của thành viên gia đình. Trong công tác PCBLGĐ thì “phòng ngừa” là quan trọng, là chủ yếu.
Hiện nay, nội dung “phòng ngừa” được quy định tại Chương II của Luật PCBLGĐ 2007 với 3 Mục và 9 Điều. Tuy nhiên, liên quan đến “nguyên nhân gốc rễ” (như đã nêu) còn rất chung chung và mờ nhạt. Tại Khoản 2 Điều 10. Nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình quy định “Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam”; Khoản 5 “Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá”. Quy định “khung” như vậy là chưa đủ, chưa rõ.
Bạo lực gia đình xảy ra “đằng sau cánh cửa của gia đình”. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng tôi đề xuất, trong sửa đổi Luật PCBLGĐ lần này, nên sửa đổi Chương II của Luật PCBLGĐ hiện hành, hoặc dành riêng 01 Chương cho việc thể chế hoá các quy định liên quan đến nội hàm của vấn đề “xây dựng nhân cách, lối sống của thành viên gia đình” là giải pháp căn cơ để phòng ngừa bạo lực gia đình từ trong gia đình.