Đặt vấn đề.
Văn hóa, gia đình là lĩnh vực vừa rộng, vừa sâu, vừa hết sức nhạy cảm và tinh tế trong đời sống xã hội dù ở phương Đông hay phương Tây, dù cổ hay kim. Thời cổ trung đại, khi hệ thống luật pháp còn không được như ngày nay, người ta đưa ra những chuẩn mực đạo đức xã hội để khuôn con người có chuẩn mực văn hóa trong lối sống, cách sống, cách ứng xử với xã hội, với con người và với thiên nhiên. Trong xã hội hiện đại, nhu cầu văn hóa và khả năng đáp ứng những nhu cầu ấy phong phú hơn, đa dạng, đa chiều hơn, đòi hỏi phải có một hệ thống luật pháp đồng bộ, toàn diện và cụ thể để điều chính mọi thành viên trong cộng đồng. Những chuẩn mực mang tính khế ước xã hội, đạo đức xã hội không đủ để điều chính hành vi con người hiện đại, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như trách nhiệm công dân trong điều kiện nhà nước pháp quyền. Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nói chung và luật pháp về văn hóa, gia đình nói riêng là một yêu cầu thực tế khách quan. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần xây dựng Đề án Hoàn thiện hệ thống Pháp luật về văn hóa, gia đình đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan.
Về Đề án Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình.
Sự cần thiết xây dựng đề án: Đề án cần nêu được các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, từ thực trạng hệ thống luật pháp nói chung và hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình nói riêng. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc làm cần thiết, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình không nằm ngoài yêu cầu hoàn thiện đó.
Căn cứ xây dựng Đề án: Phải là những căn cứ xác đáng, có tính pháp lý cao đó là đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ chính trị; các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt căn cứ vào chiến lược, quy hoạch liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình là căn cứ thiết yếu, thiết thực để triển khai lập đề án.
Phạm vi, phương pháp nghiên cứu của Đề án: Cần được xác định rõ và phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Bố cục của Đề án: Phải đảm bảo chặt chẽ, lôgic. Từ việc đánh giá thực trạng hệ thống pháp luạt về văn hóa gia đình được khảo sát, phân tích khá kỹ làm căn cứ đưa ra quan điểm, mục tiêu, nội dung kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và giải pháp thực hiện là cách triển khai khoa học, hệ thống và có độ tin cậy cao.
Nội dung của đề án: Phong phú, toàn diện được triển khai theo một bố cục chặt chẽ, khoa học. Phần này đề án cần điểm từng luật, pháp lệnh, nghị định…để phân tích, đánh giá hiệu quả và những bất cập của nó trong thực tiễn quản lý văn hóa, gia đình trong phạm vi cả nước. Đánh giá chung và chỉ ra nguyên nhân của thành tựu và hạn chế của hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đề từ đó đưa ra một danh sách cụ thể cần xây dựng trong thời gian tới từ Luật, pháp lệnh đến nghị định góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình.