Trong bối cảnh thời đại 4.0 công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, Internet đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất khu vực châu Á Thái bình dương; trong đó trẻ em ngày càng được tiếp cận với internet sớm và thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet hoặc học từ bạn bè, rất ít học từ cha mẹ mình (hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng Công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Vì vậy, trẻ em phải đối mặt với nguy cơ rất lớn bị xâm hại trên môi trường mạng.
Thế nào là Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng? Những kẻ dụ dỗ sẽ tìm kiếm những diễn đàn trên mạng, nơi có nhiều trẻ em tham gia và thường những kẻ này sẽ sử dụng một tài khoản với tên và ảnh đại diện giả. Lần tiếp cận đầu tiên thường sẽ thông qua một nhóm trao đổi hoặc một diễn đàn thảo luận. Sau đó, kẻ dụ dỗ sẽ tìm cách thuyết phục đối tượng được nhắm tới qua trao đổi riêng. Bằng cách đó kẻ dụ dỗ sẽ dễ dàng khai thác các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, bạn bè và gia đình. Chúng thường cố gắng tạo dựng mối quan hệ và niềm tin bằng cách giả vờ có nhiều điểm chung với đối tượng của mình. Thông thường, cuộc tiếp xúc ban đầu thường mang tính chất tích cực nhưng trong đó bao hàm sự thao túng tinh vi về hành vi và đe dọa tiềm ẩn, sau đó sự tiếp cận này sẽ thay đổi dần dần và chuyển sang tính chất tình dục.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, cha, mẹ và người thân trong gia đình cần thực hiện những việc cơ bản sau: Hướng dẫn trẻ nguyên tắc, kỹ năng khi sử dụng mạng (Thời gian tối đa được sử dụng mạng trong ngày; Trẻ không được phép đi gặp người quen trên mạng khi không được sự đồng ý cha, mẹ;…); Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội của trẻ; Thường xuyên trò chuyện với trẻ về việc sử dụng mạng internet (lợi ích của internet, nguy cơ và kỹ năng phòng, chống xâm hại trên mạng…); Hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử khi ở nhà mà hãy cùng học cùng chơi, trò chuyện với trẻ hoặc đọc sách để vừa có thể mở rộng kiến thức, vừa là tấm gương cho trẻ noi theo; Thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến mọi sự thay đổi của trẻ; tạo sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ thông tin, vấn đề mà trẻ gặp phải khi sử dụng internet để hỗ trợ kịp thời.