Ngày 04 tháng 9 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Báo cáo số 1789/BC-SVHTTDL về việc Báo cáo tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 95,84%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 98,87%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 23 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 95,25%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 94,68% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ /tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn cấp tỉnh đạt 100% và Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL/tổng số xã/phường/thị trấn có các Mô hình có nội dung hoạt động về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đạt 81,46%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn một số hạn chế như: Công tác triển khai thực hiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn chậm, còn có quan niệm coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà, là trách nhiệm của Hội phụ nữ; do đó, chưa có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân và người thân trong gia đình không hợp tác. Việc xử lý các hành vi bạo lực gia đình có nơi chưa kịp thời, giảm tính răn đe; hiệu quả của công tác tư vấn, hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình chưa cao; chủ yếu tập trung giải quyết, can thiệp các vụ việc bạo lực về thân thể; các hình thức bạo lực khác chưa được quan tâm phát hiện và giải quyết kịp thời, chưa chú trọng phòng, ngừa bạo lực gia đình. Công tác tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi cán bộ phải có trình độ và được đào tạo một cách bài bản trong khi phần lớn cán bộ tại cơ sở được đào tạo từ nhiều ngành khác nhau và đa số chỉ làm theo kinh nghiệm, do đó một số vụ bạo lực gia đình khó ngăn chặn hoàn toàn mặc dù đã được tư vấn, hòa giải nhiều lần; một số gia đình có bạo lực nhưng không ai biết, đến lúc ly hôn hay xảy ra sự việc nghiêm trọng về sức khỏe, mạng sống, tinh thần mới xác định được.