Ngày 03 tháng 9 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã xây dựng Báo cáo số 175/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Việc thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP trong những năm qua được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. So với thời điểm trước khi ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP thì nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về gia đình và công tác gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể:
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều nội dung, hình thức phong phú, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân. Nhiều hoạt động của công tác gia đình được triển khai từ tỉnh đến cơ sở đã thu hút được đông đảo các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân tham gia.
Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: yêu quê hương, đất nước; sống hiếu nghĩa, thủy chung đã và đang được các gia đình giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ; những giá trị văn hóa không phù hợp, lai căng dần được loại bỏ, nhường chỗ cho những giá trị văn hóa tốt đẹp thẩm thấu, lan tỏa vào các thành viên trong gia đình, dòng họ và trở thành nguồn gốc, động lực cho sự phát triển. Hiện toàn tỉnh có 359.757/400.428 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 89,8%.
Công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình được chú trọng, số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trong tỉnh đã giảm đáng kể qua từng năm và được hòa giải ngay tại cơ sở. Nếu như năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 663, thì đến năm 2015 còn 233 vụ, đến hết năm 2019, giảm còn 168 vụ (trong đó có hầu hết nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật). Hiện toàn tỉnh có 319 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại các xã, phường, thị trấn để kịp thời hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ người có nguy cơ bạo lực gia đình…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt, nhận thức của một bộ phận nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa cao. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tảo hôn, kết hôn không đăng ký, bạo lực gia đình… vẫn còn xảy ra. Các giá trị đạo đức gia đình truyền thống đang đứng trước nguy cơ xói mòn do tác động của lối sống, đạo đức, văn hóa ngoại lai.
Công tác truyền thông, vận động về gia đình chưa thường xuyên, liên tục.
Việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng sống liên quan đến gia đình chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đúng mức.
Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống ở một số địa phương còn chậm. Nội dung sinh hoạt và hoạt động các Câu lạc bộ, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình chất lượng chưa cao; việc phát hiện, thống kê báo cáo, việc xử lý các hành vi vi phạm bạo lực gia đình có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa tạo sức mạnh dư luận.
Việc xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình chưa được phát huy, cụ thể như: tư vấn gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; dịch vụ khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các loại dịch vụ sinh hoạt gia đình; Việc tiếp cận các kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội đối với gia đình.