Theo đó, trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 1.328 lớp tập huấn cho khoảng 151.169 lượt người tham dự; cấp phường, xã, thị trấn đã tổ chức 6.294 lớp tập huấn cho khoảng 443.628 lượt người tham dự; Thực hiện 493.049 tin bài, in ấn 55.482.984 tờ gấp, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền và phục vụ cho việc tập huấn về công tác gia đình các cấp.
Về đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm và đào tạo thường xuyên nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về công tác gia đình. Từ năm 2014, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp đã được thành lập và được kiện toàn hằng năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác điều hành và chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố được hiệu quả. Theo đó, thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp có trên 5.300 người có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo công tác gia đình, phối hợp triển khai thực hiện công tác gia đình ở các cấp và trên toàn địa bàn thành phố. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trên cả nước bố trí cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp thành phố có 05 người, gồm: 3 chuyên viên, 1 Phó trưởng phòng phụ trách và Trưởng phòng phụ trách chung. Trong đó 2 người trình độ đại học, 3 người trình độ thạc sĩ. Ở cấp huyện, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp quận, huyện có 114 người, gồm 57 nam (chiếm 50%) và 57 nữ. Trong đó, có 83 người (chiếm 70.9%) có trình độ đại học, 28 người (chiếm 23.9%) có trình độ sau đại học, 02 người (có trình độ trung cấp, cao đẳng và đặc biệt không có trường hợp nào chưa qua đào tạo. Khảo sát về trình độ chuyên môn đào tạo, có 11 người tốt nghiệp các chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch; 15 trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khoa học xã hội và 84 trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác (Luật, quản trị kinh doanh…). Đối với đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp xã (cấp phường, xã, thị trấn): Các hoạt động về lĩnh vực gia đình do công chức văn hóa – xã hội được bố trí theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng, chức danh và chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn.
Sở Văn hóa và Thể thao – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình đã thường xuyên tổ chức chương trình lớp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cho đội ngũ làm công tác gia đình, nhất là lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hơn 80 học viên là cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn đã hoàn thành chương trình lớp tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2017 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức trong 03 ngày (Mục tiêu: Phấn đấu xây dựng đội ngũ báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình cấp thành phố 10 người, cấp quận – huyện 48 người vào cuối năm 2015; cấp thành phố 40 người, cấp quận – huyện 72 người vào năm 2020). Đây là lớp tập huấn đầu tiên tổ chức nhằm cung cấp kiến thức chung về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải cơ sở, xây dựng và sử dụng kinh phí gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và kỹ năng thu thập xử lý số liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình hằng năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình quận, huyện và phường, xã, thị trấn nhằm cung cấp các kiến thức chuyên môn và nhiệm vụ của công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình để các cấp, các ngành vận dụng vào hoạt động thường xuyên của ngành cũng như lồng ghép vào các nội dung chuyên môn của các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, lực lượng đội ngũ thành viên các Câu lạc bộ gia đình, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Tổ tư vấn hòa giải, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng của Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được tham gia các lớp tập huấn định kỳ hằng năm, đạt 100% ở 322 phường, xã, thị trấn. Theo số liệu thống kê năm 2016, Thành phố hiện có khoảng 1.627 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với 51.416 thành viên (22.811 nam, 28.605 nữ) và 231 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 6.688 thành viên (2.946 nam, 3.742 nữ); có 1.741 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (5262 nam và 4515 nữ); có khoảng 1.056 tổ tư vấn với 4.257 thành viên (1.936 nam, 2.321 nữ) và 5.497 tổ hòa giải cơ sở (11.530 nam và 10.949 nữ).
Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định đối với đội ngũ cán bộ công tác gia đình các cấp: Đa số cán bộ làm công tác gia đình hiện nay trên địa bàn thành phố và cán bộ làm công tác gia đình ở các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, quận, huyện và phường, xã, thị trấn đều là kiêm nhiệm; cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cấp phường, xã, thị trấn (theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng, chức danh và chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn) thường xuyên thay đổi với nhiều lý do và kiêm nhiệm; cán bộ làm công tác gia đình chưa được đào tạo đúng chuyên môn, chuyên ngành. Điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu, thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp, các ngành.