Ngày 28 tháng 10 năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Báo cáo số 1524/BC-BCĐCTGĐ về việc tổng kết thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”
Theo đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự chủ động trong việc tham mưu, xây dựng văn bản triển khai thực hiện; sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân tại địa bàn thí điểm.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ gia đình phát triển, nổi bật là: Dạy nghề; giải quyết việc làm; xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bình đẳng giới; dân số – kế hoạch hóa gia đình; giáo dục và đào tạo; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng .v.v… Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân và đó chính là những điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện thắng lợi “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” những năm qua.
Công tác tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tình hình thực tế, có sức lan tỏa sâu rộng. Nhận thức của các ngành, các cấp, mỗi gia đình và người dân về tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ngày càng được nâng cao. Từ đó, những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam, các phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy; các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình được xóa bỏ; trách nhiệm đối với gia đình như giáo dục con cái, tham gia làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống … ngày càng được nâng lên. Luôn chủ động lồng ghép các nội dung của Kế hoạch tổ chức thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” vào các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong đó chú trọng đến nội dung xây dựng Gia đình văn hóa với những tiêu chí thiết thực, cụ thể gắn với thực tiễn cuộc sống, nên đã có sức lan tỏa và thu hút sự tham gia đăng ký của 100% hộ gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn những hạn chế như: Vẫn còn một bộ phận người dân do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc và giáo dục các thành viên trong gia đình một cách thường xuyên, đặc biệt là trẻ em. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm quá nhiều công việc, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm, nên việc tổ chức thực hiện thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đôi lúc còn lúng túng, đạt hiệu quả chưa cao.