Ngày 05 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đã xây dựng Báo cáo số 2562/BC-SVHTTDL về việc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” (gọi tắt là Đề án) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 482/QĐ-UBND.HC ngày 18/6/2010 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2010-2012; Quyết định số 509/QĐ-UBND.HC ngày 31/5/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2015, thực hiện thí điểm trên địa bàn 03 địa phương: phường An Hòa – thành phố Sa Đéc mẫu cho khu vực đô thị, xã Tân Hội Trung – huyện Cao Lãnh mẫu cho khu vực nông thôn, xã Tân Quới – huyện Thanh Bình mẫu cho khu vực tôn giáo, gần nhất là Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 21/7/2016 về việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016–2020, triển khai nhân rộng từ 03 xã, phường thực hiện thí điểm lên 144/144 xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay về công tác gia đình được triển khai và nhân rộng góp phần phát huy vai trò của gia đình đối với cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tại địa phương. Phát huy kết quả đạt được từ các mô hình đã được hình thành và phát triển giai đoạn trước, mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững” tiếp tục được duy trì và nhân rộng lên 659 CLB; 659 Nhóm PCBLGĐ, 540 Đường dây nóng, 2.703 Địa chỉ tin cậy và 214 Tủ sách pháp luật đặt tại cấp xã nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền, tư vấn và phát hiện các vụ việc BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững. Các CLB tổ chức sinh hoạt 02 tháng/lần tại khóm, ấp thu hút khoảng 11.520 lượt người tham dự.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai 106 mô hình CLB PCBLGĐ, 93 CLB gia đình hạnh phúc, định kỳ trong sinh hoạt các CLB lồng ghép đưa vào chương trình nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong các gia đình, tập trung vào các chủ đề về PCBLGĐ, giáo dục trẻ em, kế hoạch hóa gia đình…
Định kỳ cấp tỉnh tổ chức Họp mặt biểu dương Gia đình tiêu biểu và hướng dẫn các cấp huyện, xã tổ chức với gần 17.676 hộ gia đình được tặng Bằng khen và biểu dương đã tác động tích cực đến phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu, PCBLGĐ và phòng, chống tệ nạn xã hội.
Giai đoạn 2009-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành liên quan tổ chức Hội thi Gia đình Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thực hiện 7 lần, mỗi năm thu hút khoảng 40 gia đình tham gia); từ năm 2016 -2017 đổi tên thành Hội thi CLB “Gia đình phát triển bền vững” với 12 đội thi được tuyển chọn từ gần 600 CLB trong toàn tỉnh (năm nay dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm 2020). Cấp huyện, cấp xã tổ chức nhiều hội thi sôi nổi, thu hút sự tham gia của các CLB và người dân trên địa bàn.
Công an tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Cuộc thi viết “Vì một mái ấm bình yên”, nhận được 192 bài dự thi (sau cuộc thi Ban Tổ chức đã xét, chọn và gửi 01 bài thi xuất sắc nhất dự cấp Trung ương); phối hợp với nhà trường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hậu quả, tác hại của BLGĐ được 325 cuộc có 36.500 em học sinh tham dự.
Tổ chức lồng ghép chương trình tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống trong gia đình vào các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa tại trường THCS, THPT mỗi quý 1 lần, tuyên truyền được, thu hút trên 129.440 lượt học sinh tham dự với các nội dung như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, các thông tin thời sự nổi bật.
Qua 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tôn vinh 17.676 hộ gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội trong dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã đóng góp tích cực trong công tác PCBLGĐ, qua đó các vụ bạo lực gia đình giảm mạnh, năm 2010 toàn tỉnh có 1.588 vụ BLGĐ, đến năm 2019 còn 92 vụ (giảm 1.496 vụ), 06 tháng đầu năm 2020 có 20 vụ BLGĐ.
Trên Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh, Trạm truyền thanh các cấp tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thường xuyên đưa những nội dung tuyên truyền hưởng ứng các Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam… phản ánh kết quả, nêu gương điển hình trong công tác gia đình, về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em… được gần 1.620 tin, bài, tuyên truyền được 17.614 lượt. Lồng ghép tuyên truyền các hoạt động này trong các chuyên mục có liên quan như: Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Pháp luật và Cuộc sống, Dân vận khéo, chương trình thiếu nhi, Chương trình tư vấn pháp luật…
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan được thực hiện thường xuyên liên tục, trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 1.500 băng rol, pano, 1.200 tờ rơi. Giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã phân phối đến cơ sở hơn 6.033 sổ tay, tài liệu và 345 đĩa DVD về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các nội dung liên quan đến gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án còn có những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một vài địa phương chưa được duy trì thường xuyên, liên tục chủ yếu lồng ghép thực hiện với các hoạt động chung về văn hóa – xã hội, vào các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Gia đình hiện đại đứng trước những thách thức như: các loại tệ nạn xã hội, lối sống trọng vật chất, tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, đạo đức xuống cấp, bạo hành trẻ em… diễn ra với tính chất phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình, tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; một bộ phận người dân còn thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội, thờ ơ với các phong trào tại địa phương. Hoạt động của một số mô hình về gia đình, CLB “Gia đình phát triển bền vững” ít có sự đổi mới, số lượng người tham dự còn hạn chế, đối tượng tham dự chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em. Công tác thu thập, xử lý thông tin các chỉ tiêu về Đề án một vài ngành, địa phương thực hiện chưa đều khắp, số liệu thu thập chưa đảm bảo theo yêu cầu và độ tin cậy chưa cao. Tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số lượng nhưng tính chất và hình thức phức tạp, nguy hiểm hơn. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí theo từng cấp, tuy nhiên một số nơi còn lúng túng trong việc giải ngân, triển khai các hoạt động. Lực lượng cán bộ cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa đảm bảo
chất lượng tốt nhất về công tác gia đình.