Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xây dựng Báo cáo số 413/BC-UBND về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Theo Báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2010-2020, công tác gia đình và việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình luôn được sự quan tâm của cấp ủy Đảng chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác gia đình và việc thực hiện Chiến lược gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được triển khai đồng bộ, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả; một số Sở, Ban, ngành đã phối hợp chỉ đạo thực hiện lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, duy trì tốt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều nội dung, hình thức phong phú, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững nhằm đạt được các mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình đã đề ra.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, công tác gia đình và triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn như: Các cấp, chính quyền của một số địa phương đã có chỉ đạo nhưng chưa thật sự phát huy hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong một số vấn đề như: Tảo hôn, tình trạng ly hôn, sống thử… Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ phận người dân về vị trí, vai trò trách nhiệm của gia đình còn hạn chế, vấn nạn bạo lực gia đình còn diễn ra đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh phí dành cho công tác gia đình và Chiến lược phát triển gia đình còn nhiều hạn chế, số tiền chi cho công tác gia đình ở cấp huyện, thành phố chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện và cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, từ đó việc triển khai thực hiện công tác gia đình ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Việc thu thập số liệu về bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tình dục rất khó khăn vì đây là vấn đề tế nhị rất ít người chia sẻ. Do ảnh hưởng kinh tế thị trường nên giá trị giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, “kính trên nhường dưới” có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn như ma túy, cơ bạc, rượu bia, mại dâm đang xâm nhập vào các hộ gia đình.