Ngày 12 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã xây dựng Báo cáo số 2360/BC-SVHTTDL về việc báo cáo kết quả Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống
trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL đã triển khai lồng ghép nội dung vào hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố; Toàn tỉnh thành lập 618 CLB gia đình phát triển bền vững và 511 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, duy trì sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Thông qua các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách có liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững; giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình. Bên cạnh, các thành viên của CLB và Nhóm còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình… Đồng thời, phát hiện những tư tưởng lệch lạc, sai trái làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, từ đó kịp thời tư vấn về đạo đức, lối sống, cách ứng xử của từng thành viên trong gia đình và phê phán lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm, bạo hành và ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình…
Sở VHTTDL đã triển khai mô hình điểm thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” giai đoạn 2010 – 2012 tại phường Long Hưng và xã Tân Thạnh của thị xã Tân Châu; tổ chức sinh hoạt ở 10 khóm, ấp định kỳ mỗi tháng 1 lần, có 15 – 30 thành viên tham dự; xây dựng 1 Panô tuyên truyền với nội dung “Gia đình là điểm tựa của những ước mơ” và phát 654 tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở VHTTDL nhân bản 206.719 tài liệu tuyên truyền bao gồm: Đĩa CD, cuốn
sách mỏng, tờ gấp, sổ tay… nội dung Phương pháp và nguyên tắc giáo dục trong gia đình, giáo dục con cái trong gia đình, vai trò của ông bà trong đời sống gia đình “Hỏi đáp về Luật PCBLGĐ”. Tổ chức 77 lớp tập huấn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và tập huấn thu thập số liệu về gia đình và PCBLGĐ, có 9.230 học viên dự học gồm: Lãnh đạo phòng VHTT, cán bộ gia đình cấp huyện, Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, xã, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ. Qua lớp tập huấn đã cung cấp những kỹ năng, kiến thức trong quản lý và điều hành mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, giải quyết các vấn đề xảy ra trong hoạt động PCBLGĐ.
Bên cạnh, phối hợp triển lãm các bộ ảnh “An Giang tích cực giữ gìn và phát
huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam và phòng, chống BLGĐ”, “Thành tựu kinh tế, xã hội tỉnh An Giang”, “Gia đình văn hóa-nền tảng hạnh phúc và phồn vinh”. Tổ chức hội thi “Văn nghệ gia đình văn hóa” , Hội thi cán bộ phụ trách công tác gia đình giỏi cấp tỉnh 2 năm/lần, họp mặt, giao lưu gia đình văn hoá tiêu biểu, 35 năm gia đình hạnh phúc, gia đình 3 thế hệ đảng viên, giao lưu diễn giả, đố vui, biểu diễn văn nghệ… nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, thu hút đông đảo người xem và cổ vũ.
Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị: Trường Đại học An Giang, Sở Giáo dục- Đào tạo tuyên truyền các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của Sở, nhà trường, chương trình giảng dạy và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác gia đình… cho giáo viên, cán bộ, công chức, công nhân viên, sinh viên, học sinh, có trên 3.037 người tham dự; Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp “Học làm người có ích”; Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đưa nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình vào chương trình giảng dạy ở các lớp chuyên viên và trung cấp chính trị của trường được 10 lớp, có hơn 800 học viên; Báo An Giang thực hiện từ 12-24 bài viết/năm về công tác gia đình, xây dựng chuyên mục “Gia đình và cuộc sống” phát trên sóng Đài PT-TH An Giang 12 kỳ/năm; Tạp chí Văn hóa Lịch sử thực hiện 48 bài về gia đình…
Thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” do Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch hỗ trợ nghiệp vụ cũng như kinh phí thực hiện tại 02 xã Vĩnh Phú,
huyện Thoại Sơn và xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành; Tổ chức lễ phát động tuyêntruyền thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với sự tham gia của Ban chỉ đạo các cấp và 600 người đại diện cho các hộ gia đình của 02 xã tham gia đăng ký các tiêu chí ứng xử trong gia đình; Tuyên truyền các nội dung liên quan đến tiêu chí ứng xử trong gia đình thông qua đài truyền thanh của địa phương và các buổi sinh hoạt tại cộng đồng. Nhìn chung, các gia đình rất nhiệt tình tham gia đăng ký, quan tâm chia sẻ các ý kiến để điều chỉnh hành vi ứng xử trong mối quan hệ gia đình và cùng nhau giữ gìn gia đình hạnh phúc.
Đài truyền thanh huyện, xã thực hiện nhiều tin, bài cho hoạt động công tác Gia đình và các nội dung giáo dục đời sống gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa”; phát tin bài trên đài truyền thanh cấp huyện…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” còn có những khó khăn như một số lãnh đạo địa phương xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đến công tác gia đình. Cán bộ làm công tác gia đình cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo về chuyên môn, hạn chế kỹ năng tuyên truyền, công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương chưa kịp thời.
Các ban, ngành, đoàn thể… đôi lúc chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt
động chuyên môn và lồng ghép thực hiện đề án trên. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án ở các cấp, có nơi chưa thường xuyên. Kinh phí thực hiện đề án ở cấp huyện và xã còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện hoạt động của địa phương.