Qua 03 năm triển khai thực hiện Dự án 4, Ban Chủ nhiệm Dự án 4 đánh giá nhận xét như sau:
Dự án 4 giai đoạn 2018-2020 cơ bản đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, trong đó: kéo giảm được 3,13% (chỉ tiêu là 5-7%) số vụ xâm hại trẻ em (đạt 62,6%); giảm 10,02% (chỉ tiêu là 15-20%) số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật (đạt 66,8%) so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017.
Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên trước hết và quyết định là do: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, thường xuyên về mọi mặt của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp hỗ trợ, hiệp đồng của các bộ, ban, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền và Công an các địa phương chủ động kiểm soát tình hình, nắm bắt và dự báo các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm này, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện bài bản, bám sát thực tiễn, tập trung công tác trọng tâm tại các địa bàn trọng điểm; Sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân chung tay trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người nói riêng; Về kết quả hoạt động của thành viên Ban Chủ nhiệm Dự án 4 đã tích cực, chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên và bạo lực gia đình, mua bán người theo chức năng, nhiệm vụ tại từng bộ, ngành; duy trì chế độ thông tin báo cáo theo quy định; Nghiên cứu, xây dựng, ký các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị thành viên; tham mưu, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu tại Kế hoạch số 237/KH-BCNDA4 ngày 30/11/2018 về triển khai Dự án 4 giai đoạn 2018-2020; Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo của các thành viên Ban Chủ nhiệm Dự án 4 để nắm tình hình, đánh giá kết quả, tồn tại hạn chế và kịp thời đề xuất những giải pháp trọng tâm gắn với tình hình thực tiễn; Theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, thành viên Ban Chủ nhiệm và Tổ CVLN giúp việc BCNDA4 ngay từ đầu năm đã chủ động tham mưu cho Bộ, ngành mình xây dựng các chương trình, kế hoạch chỉ đạo theo hướng lồng ghép triển khai các nghị quyết, chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và việc thực hiện Dự án 4 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành mình.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau: Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp diễn biến phức tạp của tình hình, nhất là các nguy cơ an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh Covid-19 để lợi dụng đưa người xuất, nhập cảnh trái phép nguy cơ mua bán người tăng cao; công nghệ thông tin, công nghệ số (4.0) phát triển nguy cơ cao trẻ em bị xâm hại, tiếp cận với các hình ảnh bạo lực qua mạng xã hội; Công tác quản lý cư trú, di biến động đối với người nước ngoài, đặc biệt có một số vụ sót, lọt đối tượng đã có tiền án, tiền sự về tội xâm hại trẻ em ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để lao động, làm việc trong các ngành nghề tiếp xúc trẻ em (như: dạy tiếng nước ngoài tại trung tâm, dạy thêm tại nhà; cộng tác viên các dự án an sinh xã hội…); Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn bộc lộ sơ hở, một số lĩnh vực sử dụng lao động là người chưa thành niên (như: giúp việc gia đình, làm thuê tại cơ sở kinh doanh ăn uống, dọn dẹp vệ sinh tại các nhà nghỉ, khách sạn…) có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành trẻ em; Một số vụ việc xâm hại trẻ em tiến độ điều tra, khởi tố chậm, khởi tố không đúng tội danh hoặc phải khởi tố bổ sung gây bức xúc dư luận; một số vụ việc chưa được phát hiện ngăn chặn kịp thời như: người chưa thành niên lợi dụng mạng xã hội (clip, livetream bạo lực học đường, kêu gọi tụ tập nhóm để gây rối trật tự công cộng, đua xe, sử dụng ma túy trái phép, chất kích thích bị cấm…) gây hậu quả nghiêm trọng; Công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm một số chương trình, Nghị quyết liên tịch, kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn chậm.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu sau: Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa đề cao vai trò trách nhiệm, nêu gương, thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, chưa phân công trách nhiệm cụ thể gắn với quản lý địa bàn nên các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân phát sinh tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua bán người còn lúng túng, vẫn còn tình trạng chấp hành chưa nghiêm chế độ thông tin báo cáo, quy chế làm việc của Ban Chủ nhiệm; Công tác phối hợp liên ngành ở các đơn vị cấp Trung ương có chuyển biến rõ nét, tuy nhiên phối hợp liên ngành ở địa phương còn nhiều bất cập, cá biệt có việc đùn đẩy trách nhiệm (như: hỗ trợ, xác minh nạn nhân mua bán người; khám chữa bệnh ban đầu cho nạn nhân bị xâm hại tình dục; tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên sau khi chấp hành án phạt tù có thời hạn); Công tác phòng ngừa xã hội, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua bán người chưa hiệu quả, có lĩnh vực bị buông lỏng thiếu sự phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ nòng cốt, chủ trì (xảy ra một số vụ xâm hại, bạo lực người dưới 18 tuổi tại trung tâm bảo trợ xã hội); Điều kiện đảm bảo về phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí còn hạn chế.