Với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm, gia đình có vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền liên quan tới bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, có hiệu lực từ ngày 02/9/1990 đã nêu rõ trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng: “Gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của tất cả các thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết”. Điều 18 của Công ước đã khẳng định, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là điều quan tâm cơ bản của cha mẹ, hoặc người nuôi dưỡng. Cả cha và mẹ đều có trách nhiệm chung trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em, và họ phải là người có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em, để trẻ em được an toàn và phát triển. Điều 19 Công ước cũng nêu rõ, các gia đình phải “bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị tổn thương hay bị lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc xao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng tay chăm sóc của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ”.
Ở Việt Nam trong những năm qua, Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ các quyền trẻ em nói chung, và các quyền liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng. Điều 4 Luật Trẻ em (2016) đã khẳng định: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Theo pháp luật Việt Nam, trẻ em có các quyền như: Quyền được sống, được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền được vui chơi giải trí; Quyền được sống chung với cha mẹ; Quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; không bị bóc lột sức lao động; không bị bạo lực,v.v..
Như vậy, căn cứ vào các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em, Luật Trẻ em… cho thấy, đặc trưng cơ bản của trẻ em là sự non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, và phụ thuộc vào trách nhiệm và hành động của người lớn trong quá trình phát triển. Do vậy có thể khẳng định, gia đình chính là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó có quyền bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi nguy cơ, bị lạm dụng và bạo lực.