Theo kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 tỷ lệ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo và cận nghèo chung của toàn quốc. Toàn quốc có 1,2 triệu hộ DTTS được nhận hỗ trợ bằng tiền hoặc vật chất, chiếm 36,9% tổng số hộ DTTS đang cư trú tại các xã vùng DTTS. Cả nước vẫn còn 1.296 hộ DTTS du canh, du cư và Tây Nguyên là vùng có nhiều hộ du canh, du cư nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, có 7.712 người già cô đơn không nơi nương tựa đang cư trú tại các xã vùng DTTS.
Cho dù chưa có số liệu thống kê chuyên biệt song điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn khiến trẻ em ở vùng DTTS phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là tảo hôn.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi, nam là từ đủ 20 tuổi và các chế tài xử phạt vi phạm. Tuy vậy, tình trạng kết hôn sớm vẫn rất phổ biến trong các cộng đồng DTTS ở vùng sâu vùng xa. MICS 2013-2014 cho thấy trong số phụ nữ ở độ tuổi 15-49, tỷ lệ phụ nữ kết hôn trước 15 tuổi là 2,1% ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc và 1,9% ở khu vực Tây Nguyên; và tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 20-49 kết hôn trước 18 tuổi ở hai khu vực này lần lượt là 18,8% và 15,8%.
Một báo cáo phân tích thực trạng trẻ em ở Ninh Thuận năm 2011 đưa ra ví dụ về thực hành văn hóa của đồng bào Rắc-lây: Trẻ em gái được thuyết phục lấy chồng sớm. Theo truyền thống ở đây, sau khi kết hôn người con trai sẽ đến sống với gia đình vợ, do đó gia đình có con gái sẽ có thêm lao động và có mức thu nhập cao hơn.