Ngày 25/11/2020, một bé trai 8 tuổi (ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tử vong nghi do học theo thử thách Momo trên Youtube. Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, cháu bé ngồi xem tivi tại phòng khách cùng gia đình, sau đó vào nhà vệ sinh để đi tắm. Khoảng 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời. Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện cháu bé trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc.
Trước đó, vào tháng 10/2020, có trường hợp một bé trai 9 tuổi ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) học theo các video trên mạng, sau đó thực hành nuốt trọn chiếc bấm móng tay vào bụng. Cháu bé nhập viện trong tình trạng ho nhiều, đau bụng. Qua thăm khám và nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện chiếc bấm móng tay có kích thước 6×1,6 cm, nằm tại vị trí phình vị lẫn thức ăn, gây tổn thương xước niêm mạc dạ dày. Cháu bé kể lại, do thường xuyên xem các video trên YouTube nên nuốt bấm móng tay làm theo.
Đây như một hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ cần quan tâm, bảo vệ con mình trên không gian mạng. Bởi ngày càng nhiều các video độc hại, nhảm nhí tràn lan trên mạng Internet khiến trẻ nhỏ xem rồi thực hành theo sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Các mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok… ngày càng phát triển có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực đồng thời phản ánh đúng bản chất xã hội hiện nay. Đặc biệt, các kênh Youtube mọc lên “như nấm sau mưa” và xem việc làm các video là nghề kiếm thu nhập từ việc quảng cáo, rất nhiều video đem lại kiến thức bổ ích và cảm xúc cho người xem nhưng cũng không ít video có những nội dung phản cảm, tiêu cực, bất chấp đạo đức, văn hóa xã hội chỉ để câu view, câu like. Không gian mạng là một nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ, nếu không được tiếp cận đúng cách.
Nhiều gia đình, người lớn bận rộn với gánh nặng mưu sinh, những bộn bề lo toan của cuộc sống. Nhiều gia đình còn thiếu kiến thức xã hội, hiểu biết về các mối nguy hại trên không gian mạng, vô tình đã đẩy con em mình ngày ngày tiếp cận các thông tin xấu, độc hại. Nhiều gia đình mặc kệ cho con nhỏ ôm cái điện thoại, tivi, ipad… cả ngày để xem, trẻ nhỏ cứ vô tư kéo kéo, lướt lướt để xem và học theo. Hiện nay, còn có nhiều phần mềm độc hại tự động chèn vào chương trình, ứng dụng dành cho đối tượng trẻ nhỏ để hướng dẫn trẻ em tự sát, điển hình thử thách Momo (Momo challenge) hoặc các video dạy cách tra tấn ảo, làm ảo thuật ảo hoặc hướng dẫn trẻ tự tử mà không chết trong các clip hoạt hình mà trẻ yêu thích như Peppa Pig, công chúa Elsa, người Nhện…Những đứa trẻ đang ở độtuổi hiếu động, thích khám phá, bắt chước sẽ dễ dàng học theo.
Làm gì để bảo vệ trẻ trên không gian mạng?
Để bảo vệ trẻ an toàn khi tiếp cận với không gian mạng, hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người quan trọng nhất, luôn phải giám sát các hoạt động của con khi tham gia vào không gian mạng.
Một vài gợi ý giúp cha mẹ cần chú ý để hạn chế nội dung độc hại trên Youtube:
– Hãy bật chế độ hạn chế:
Chế độ hạn chế giúp bạn có thể lọc bớt những nội dung không phù hợp khi xem. Bạn có thể bật theo hướng dẫn sau:
Trên di động:
Điện thoại Android: Đăng nhập tài khoản >>> Menu >>> Cài đặt >>> Chung >>> Bật (tắt) Chế độ hạn chế.
Điện thoại iOS: Đăng nhập tài khoản >>> menu >>> Cài đặt >>> Nhấn vào Lọc chế độ hạn chế sau đó bật chế độ hạn chế bằng cách chọn: Nghiêm ngặt (Chế độ hạn chế bật).
Trên máy tính:
Vào Youtube.com, kéo xuống phía dưới và chọn nút Chế độ hạn chế (Restrict Mode) và Click vào >>>Chọn nút Bật và bấm Lưu.
Quản lý lịch sử xem Youtube
Những kênh bạn xem thường xuyên thì khi có các nội dung mới hệ thống sẽ thường cập nhật trên trang chủ, do vậy với những trang không lành mạnh bạn nên thực hiện xóa khỏi lịch sử. Để quản lý lịch sử bạn vào Lịch sử xem” sau đó nhấn nút “X” để xóa những nội dung không mong muốn.
– Hãy sử dụng ứng dụng Youtube Kids:
Đây là ứng dụng dành riêng cho điện thoại và hỗ trợ những kênh xem video phù hợp với trẻ em. Bạn có thể vào kho ứng dụng của máy để tải ứng dụng.
– Hãy đăng ký kênh xem và tạo Playlist:
Với cách này bạn có thể lựa chọn những kênh có nội dung phù hợp và danh sách những video chất lượng để có thể cho con mình xem một cách an toàn nhất.
Quan trọng hơn tất cả, vẫn chính là việc các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV. Luôn đồng hành cùng con mỗi khi con tham gia vào không gian mạng, để biết con đang xem gì và hiểu tâm lý của con!