Ngày 26 tháng 8 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Báo cáo số 121/BC-UBND về việc tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Theo Báo cáo, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về vai trò, vị trí của gia đình, công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình đã có những chuyển biến tích cực. Xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng gia đình và có sự phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi luôn được duy trì và tăng cường. Nội dung, hình thức truyền thông đa dạng, kịp thời, tạo nên những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm đông đảo người dân hưởng ứng và tham gia các phong trào, mô hình, cuộc vận động tại địa phương. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh tới cơ sở được quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn. Công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát, khen thưởng được triển khai nghiêm túc. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược đã hoàn thành ở mức đạt và vượt (có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch). Đời sống của người dân, hộ gia đình và cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Do vậy, có điều kiện quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên gia đình. Việc giáo dục đời sống gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở được phát huy. Tỷ lệ hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể, phần đa các hộ gia đình chấp hành nghiêm chỉnh quy ước, hương ước địa phương.
Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Tạo sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai Chiến lược còn những khó khăn, hạn chế như:
Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở chưa có sự quan tâm thỏa đáng, thiếu thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình, cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tuy đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp, song phương pháp tuyên truyền chưa có nhiều sự đổi mới, còn khô cứng, thiếu tính hấp dẫn. Công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình còn hạn chế. Việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình ở một số địa phương cơ sở chưa kịp thời. Một số mô hình phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ, nhóm phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả hoạt động chưa ổn định. Việc thu thập, báo cáo số liệu thống kê về công tác gia đình, bạo lực gia đình để xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình còn có những bất cập, hạn chế.