Ngày 21 tháng 8 năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Báo cáo số 125/BC-BCĐ về việc tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, giai đoạn 2014 – 2020
Theo Báo cáo, Sau 7 năm chỉ đạo triển khai Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã vào cuộc một cách tích cực, các nội dung đã được triển khai một cách nghiêm túc, lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình ngày càng được nâng cao, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của đảng, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được phối hợp triển khai thực hiện một cách đồng bộ, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, do đó người dân được tiếp cận, nắm rõ hơn các quy định của Luật. Việc triển khai mô hình can thiệp, hỗ trợ bạo lực gia đình đã phát huy tác dụng, nhiều vụ bạo lực gia đình được xử lý kịp thời hiệu quả, tình hình bạo lực gia đình ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cáo rõ rệt, góp phần vào xây dựng gia đình, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Các chỉ tiêu thực hiện đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, giai đoạn 2014-2020 còn những khó khăn, hạn chế như:
Một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác gia đình và các hoạt động, nhận thức của một số bộ phận cán bộ và quần chúng nhân dân chưa đầy đủ nên khó khăn trong việc vận động. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các văn bản thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ còn chưa sâu, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ đồng bộ. Các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn yếu. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình chưa được quan tâm đúng mức, chủ là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, không có đội ngũ cộng tác viên; kinh phí dành cho công tác gia đình còn hạn chế, công tác hoạt động của các Câu lạc bộ nội dung còn nghèo chưa phong phú; Đặc biệt là công tác phát hiện, ngăn chặn, hòa giải các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình tại cơ sở chưa được kịp thời. Bản thân người bị hại thường che dấu, ngại nói ra.