Ngày 02 tháng 7 năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Báo cáo số 200/BC-BCĐ về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020
Theo đó, qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020, các cấp đã tham mưu kịp thời với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng gia đình. Công tác gia đình đã thực sự chuyển biến rõ rệt, cán bộ và nhân dân đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình được toàn dân đồng tình hưởng ứng và tự giác thực hiện.
Các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình dần được xóa bỏ; công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chú trọng; các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được quan tâm chú trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng hộ khá, giàu, tỷ lệ hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa ngày càng tăng; các hoạt động về gia đình ngày càng đa dạng, phong phú và đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy việc đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng gia đình quan tâm hơn tới việc chăm lo xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn những hạn chế, tồn tại như:
Việc triển khai học tập và quán triệt Chiến lược phát triển gia đình ở một số cơ sở còn mang tính hình thức.
Công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Pháp lệnh dân số, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tỷ lệ tảo hôn, mua bán phụ nữ, trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, gia tăng tỷ lệ ly hôn, ly thân, sinh con thứ 3 vẫn còn xảy ra ở một số nơi, cả thành thị và nông thôn.
Nhận thức và trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về công tác gia đình còn hạn chế. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một số gia đình vẫn còn diễn ra; các tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào gia đình. Sự khác nhau trong nhận thức giữa các thế hệ về ứng xử, về lối sống, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi bộc lộ một số hạn chế.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số nơi chưa bám sát các tiêu chuẩn khi bình xét, do đó danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” ở một số cơ sở chất lượng chưa cao; số hộ giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa liên tục nhiều năm còn thấp.
Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản hiệu quả hoạt động tuyên truyền chưa cao.
Công tác xử lý thông tin và thu thập số liệu, cập nhật số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào sổ theo dõi ở các cấp cơ sở chưa được chú trọng quan tâm. Dẫn đến các số liệu về tình trạng hôn nhân, gia đình, bạo lực gia đình…không được cập nhật chính xác.
Sự phối hợp của một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức triển khai các hoạt động về công tác gia đình trên lĩnh vực ngành quản lý có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả còn hạn chế, chưa phát huy vai trò tham mưu của Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp; công tác thông tin báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ, nên việc tổng hợp gặp nhiều khó khăn.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về gia đình còn hạn chế, các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình.