Theo Báo cáo, 6 tháng đầu năm 2020 Ban Chỉ đạo tỉnh chú trọng triển khai nhiều biện pháp thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu theo các Kế hoạch dài hạn của UBND tỉnh về công tác Gia đình; trong đó phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng thành viên. Do đó, việc lồng ghép thực hiện công tác gia đình gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có nhiều thuận lợi.
Cơ quan thường trực và thành viên Ban chỉ đạo có nhiều tích cực, kịp thời phối hợp tham mưu Trưởng ban chỉ đạo ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động được chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng thời điểm, có hiệu quả thiết thực đáp ứng mục đích, yêu cầu. Các Đề án, mô hình hoạt động về Gia đình, phòng/chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số ngành, đoàn thể khác triển khai, nhân rộng phát huy hiệu quả tích cực ở các địa phương.
Hoạt động kỷ niệm, hưởng ứng lồng ghép tuyên truyền nhân các ngày lễ về Gia đình và các Tháng Hành động trong năm được các thành viên Ban chỉ đạo chú trọng chỉ đạo tổ chức trong ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã có sự chỉ đạo tích cực, có sự hướng dẫn, định hướng kịp thời, thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhiều ngôn ngữ, các sản phẩm xuất bản và truyền thông đại chúng phục vụ trên diện rộng, thu hút số lượng lớn người đọc, nghe, nhìn…
Công tác Giáo dục đời sống gia đình được triển khai mạnh mẽ, đạt hiệu quả thiết thực tại các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.
Các công tác chia sẻ thông tin, can thiệp, hòa giải, tư vấn pháp lý, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình được tăng cường; đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên, tổ can thiệp bạo lực gia đình được chú trọng tập huấn nâng cao năng lực hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn những hạn chế nhất định như:
Một số thành viên Ban chỉ đạo do kiêm nhiệm nhiều mặt công tác chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, tham gia nhiều vị trí công tác khác nên đôi lúc chưa thật sự chủ động trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thông tin, báo cáo kịp thời.
Mục tiêu nhân rộng các mô hình về Gia đình, Can thiệp Phòng/chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đạt ở chỉ số còn thấp1 do hạn chế về nhận thức của cán bộ, người dân ở địa phương, nguồn lực không có để duy trì hoạt động.
Do cản trở về ngôn ngữ, các biện pháp chuyển tải thông tin còn hạn chế, kém hiệu quả nên công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác Gia đình chưa được triển khai đồng bộ. Do khó khăn về phương tiện và con người: tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa được truyền thông, giáo dục chưa cân bằng với các vùng khác. Bên cạnh đó việc triển khai và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục ý thức về giới, hôn nhân; giáo dục đời sống gia đình, công tác giáo dục, phòng ngừa bạo lực gia đình ở một số vùng khó khăn còn thiếu, chưa đồng bộ.
Thiếu kinh phí dành cho các mặt hoạt động công tác Gia đình điển hình như tuyên truyền; tổ chức các hoạt động đại chúng như tọa đàm, hội thảo kỷ niệm các ngày lễ Gia đình, hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động mô hình nên tại một số nơi không thể tổ chức các hoạt động bề nổi.