Để thực hiện tốt chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ PCBLGĐ nói riêng, của công tác gia đình nói chung trong tình hình hiện nay. Đưa công tác gia đình và PCBLGĐ vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cơ quan, đơn vị và địa phương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác PCBLGĐ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu về công tác gia đình và PCBLGĐ của các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình cấp tỉnh, cấp huyện. Thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình. Xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công tác gia đình, PCBLGĐ. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác PCBLGĐ của các ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình PCBLGĐ, chú trọng những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Bổ sung các nội dung PCBLGĐ, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của địa phương. Tổ chức các loại hình hoạt động can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống bạo lực gia đình, phổ biến luật cho người dân. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, mỗi ngành và khu dân cư.
Giải pháp về tuyên truyền, vận động, giáo dục: Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân thực hiện: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật, văn bản của trung ương và địa phương về gia đình và PCBLGĐ… Tăng cường, đa dạng các nội dung truyền thông tạo nên những đổi mới về mặt nhận thức trong PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc bằng những hình thức phong phú, để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Nâng cao chất lượng nội dung các tài liệu truyền thông; phát huy vai trò của các cơ quan ngôn luận, tăng cường thông tin tuyên truyền về thành tựu, về các gương điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với các hình thức phong phú, nhằm cung cấp, giáo dục cho các thành viên trong gia đình các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết khi có sự mâu thuẫn, xung đột. Hạn chế tối đa các hành vi bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về PCBLGĐ với các hoạt động của các phong trào, cuộc vận động của địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể. Thực hiện tuyên truyền, vận động tập trung vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ liên quan đến gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, lan tỏa những ý nghĩa, thông điệp, xây dựng nhận thức tốt đẹp về xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực.
Giải pháp về nguồn lực: Củng cố, kiện toàn, ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, PCBLGD từ tỉnh đến cơ sở. Làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ PCBLGĐ cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ làm hoặc tham gia công tác gia đình, PCBLGD và cộng tác viên các cấp. Tiếp tục phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác gia đình, PCBLGĐ; từ đó xây dựng biểu bảng dữ liệu thu thập thống kê và xử lý thông tin cơ bản về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, được cập nhật thường xuyên theo quy định của Bộ VHTTDL. Tiếp tục huy động nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư cung cấp các dịch vụ về gia đình cũng như với công tác PCBLGĐ, sử dụng hiệu quả, nguồn lực đầu tư của nhà nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và PCBLGĐ.
Giải pháp về phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng, chống bạo lực gia đình: Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các dòng họ, cá nhân vào việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho các cá nhân, gia đình nâng cao nhận thức và có thêm cơ hội, điều kiện tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, PCBLGĐ. Huy động sức mạnh trong dư luận xã hội ngay từ cơ sở, định hướng dư luận trong phòng chống bạo lực gia đình, hạn chế tối đa việc bỏ sót đối tượng được trợ giúp là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình.