Để thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề xuất các giải pháp chính như:
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Thực hiện tốt các phối hợp liên ngành thực hiện công tác gia đình. Đầu tư về kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp và những điều kiện đảm bảo thực
hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án đã được phê duyệt về công tác gia đình. Đưa nội dung công tác gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của địa phương, của ngành. Đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động công tác gia đình từ ngân sách, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác gia đình các cấp vừa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình. Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về gia đình và có liên quan, kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, ứng phó với khủng hoảng kinh tế, thiên tai, bệnh dịch và bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; đề cao các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam phù hợp với đời sống công nghiệp, hiện đại.
Các đoàn thể chính trị – xã hội cần tiếp tục phát động các cuộc vận động xây dựng gia đình phù hợp với nhu cầu của hội viên, đoàn viên và yêu cầu của phát triển gia đình. Tạo môi trường và động lực thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế – xã hội.
Nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phụng dưỡng người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình. Chú trọng đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; tạo điều kiện cho hộ gia đình nghèo, khó khăn tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và ứng phó với những biến đổi, thiên tai.
Phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho gia đình về chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, tư vấn pháp luật – tâm lý; các dịch vụ cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở dịch vụ tư vấn cho người gây bạo lực gia đình. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác PCBLGĐ và phòng ngừa giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức và hành vi phải được triển khai mạnh mẽ ở cấp cơ sở, nhất là địa bàn khu dân cư; khu lưu trú công nhân và các nhóm đối tượng có nguy cơ.
Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các mô hình gia đình hiệu quả tại cộng đồng, khu dân cư nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về gia đình.