Ngày 20 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Báo cáo số 289/BC-SVHTTDL về việc Báo cáo tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 96%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 100%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 12 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 96%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 100% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ /tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn cấp tỉnh đạt 35,2% và Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL/tổng số xã/phường/thị trấn có các Mô hình có nội dung hoạt động về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đạt 21,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình; việc tổ chức triển khai thực hiện Luật còn lúng túng, chưa đề ra các biện pháp cụ thể; chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thực tế mới chỉ lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội. Công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ; một số đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong triển khai thi hành Luật như cung cấp số liệu, thực hiện báo cáo, thống kê. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa có những hình thức phù hợp trong tổ chức tuyên truyền phổ biến đối với bà con vùng sâu, vùng xa; các tài liệu chuyên sâu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ sở. Khó khăn trong công tác khám sàng lọc phát hiện nạn nhân bạo lực gia đình, do tâm lý lo ngại bị ảnh hưởng đến danh dự của bản thân và gia đình và quy định của pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đối với người gây ra bạo lực gia định, đồng thời chưa thực sự bảo vệ được nạn nhân bạo lực gia đình. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình còn chậm, rất ít cấp huyện bố trí được nguồn kinh phí tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn; chưa quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ, duy trì các mô hình đã được xây dựng.