Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã xây dựng Báo cáo số 277/BC-SVHTTDL về việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2010-2020
Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2010, toàn tỉnh có 321.854/383.135 hộ gia đình văn hóa, đạt 84.01%, đến năm 2019 toàn tỉnh có 402.236/450.051 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 89,4% (tăng 1,1% so với năm 2018, tăng 4,4% so với kế hoạch), đã góp phần kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Cùng với nhiều hoạt động phong trào sôi nổi từ cơ sở, các hoạt động văn hóa văn nghệ nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống được duy trì, nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian, văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động hiệu quả cùng với việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, duy trì tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn tạo điều kiện cho thành viên các gia đình tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các thành viên trong gia đình.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 608 địa chỉ tin cậy ở các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố thường xuyên hoạt động. Những cơ sở trên bước đầu đã phát huy vai trò trong việc trợ giúp các nạn nhân bị bạo lực gia đình khi có yêu cầu. Có 1.054 CLB PCBLGĐ được thành lập với trên 25.800 hội viên, phần lớn các CLB đã xây dựng được kế hoạch, ban hành Quy chế hoạt động, tổ chức ra mắt và sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần; hàng năm tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Trong các buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm CLB đã trao đổi thông tin về PCBLGĐ, cách giải quyết các vụ bạo lực gia đình ở thôn, tổ dân phố đến các thành viên; hướng dẫn theo dõi, nắm bắt kịp thời những gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực để có biện pháp phòng ngừa. Thông qua hoạt động của các CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè và hạn chế các vụ bạo lực gia đình xảy ra. Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào, mô hình, câu lạc bộ từ cơ sở đã đem lại hiệu quả thiết thực, nêu gương sáng, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng… góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, khẳng định vai trò to lớn của gia đình đối với xã hội, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của các gia đình. Có thể kể tới như: “CLB gia đình hạnh phúc”;“CLB không sinh con thứ ba”; “CLB bà mẹ có con vị thành niên”;” CLB phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “CLB ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; các mô hình xây dựng gia đình gương mẫu, gia đình không có bạo lực; mô hình “Đàn ông xây tổ ấm” …. cùng nhiều
hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề đã tuyên truyền, cung cấp các kiến thức và tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Công tác tuyên truyền về thực hiện Đề án luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Sở VHTTDL tổ chức tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú như: Báo Bắc Giang (Trung bình mỗi năm, Báo Bắc Giang đã đăng tải khoảng hơn 100 tin, bài, phóng sự, ảnh, video clip trên các ấn phẩm trên báo in và Báo Bắc Giang điện tử về các lĩnh vực liên quan đến công tác gia đình ), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (Phát sóng hơn 1000 tin thời sự, phóng sự ngắn và phóng sự chuyên đề có nội dung nêu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến về gia đình và PCBLGĐ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; bình đẳng giới và phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình), tổ chức hội nghị, tập huấn, trang Web của ngành, in tài liệu, tờ rơi, tổ chức tuyên truyền trực quan tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và trên các trục đường chính của thành phố Bắc Giang. Tập trung tuyên truyền cao điểm vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em 25/11… Nội dung các hoạt động tập trung vào phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, chăm sóc bảo vệ trẻ em và phụng dưỡng người cao tuổi, gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình văn hóa… Cấp phát hơn 4.500 cuốn sách Luật PCBLGĐ, hỏi đáp về bình đẳng giới, PCBLGĐ, tài liệu giáo dục đời sống gia đình, sách xanh gia đình Việt Nam, văn bản quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam, Tập kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền PCBLGĐ, cẩm nang dành cho phụ nữ tại cộng đồng, cẩm nang hỗ trợ người bị bạo lực giới và sách hướng dẫn tư vấn cho người bị bạo lực gia đình; in ấn, nhân bản, phát hành hàng nghìn cuốn tài liệu về PCBLGĐ và chuyên đề sinh hoạt, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; phát hành gần 187.250 tờ gấp tuyên truyền về PCBLGĐ, phòng, chống các tệ nạn xã hội; hằng năm tổ chức truyền thông về trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực cho hàng nghìn lượt trẻ em; các địa phương trong tỉnh đã kẻ vẽ, in treo 5.574 băng rôn, panô, áp phích để tuyên truyền tại các các khu trung tâm, khu vực đông dân cư.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các phòng ban liên quan thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hằng năm tại các địa phương đã thực hiện được 4.750 tin bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; căng treo 2.866 băng rôn, 1.491 pano, 1.650 apphich tuyên truyền các chủ đề và thông điệp trong; in ấn và phát 66.184 tờ rơi; 15 cuộc giao lưu thể thao; 30 cuộc thi câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 179 buổi tập huấn; 260 buổi toạ đàm… Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) tại trung tâm các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã có 2.091 băng rôn, 620 pano, 839 áp phích tuyên truyền chủ đề, khẩu hiệu ngày Quốc tế Hạnh phúc. Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc tại địa phương được chỉ đạo duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình cho cán bộ các cấp nhằm tạo dựng môi trường an toàn, tin cậy, yêu thương trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Trong những năm qua Sở VHTTDL và Phòng VHTT các huyện, thành phố đã tổ chức 350 lớp tập huấn, tuyên truyền về kiến thức pháp luật trong đó có Luật PCBLGĐ, Luật bình đẳng giới cho 85.600 lượt người là cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở, chủ nhiệm các câu lạc bộ PCBLGĐ, cán bộ làm công tác hoà giải, cán bộ hội phụ nữ, thanh niên, các ngành công an, văn hóa, y tế các cấp; tổ chức 372 cuộc tọa đàm, hội thảo có chuyên đề về PCBLGĐ, giới và bình đẳng giới với sự tham gia của hơn 50.000 lượt người. Tổ chức được 378 cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề về vấn đề gia đình, Luật PCBLGĐ cho 60.000 lượt người ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án còn có những khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa sâu sát, việc tổ chức thực hiện tuyên truyền, quán triệt Đề án ở một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung công tác gia đình nói chung và Đề án nói riêng có lúc, có nơi chưa kịp thời, đồng bộ ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ thực hiện. Kinh phí thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và tùy thuộc vào nguồn lực của từng địa phương. Việc huy động từ các nguồn lực xã hội hóa cho thực hiện các hoạt động còn khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc, thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng đặc biệt trong triển khai tổ chức thực hiện tại cơ sở; điều kiện các nguồn lực phục vụ yêu cầu công tác chưa được đầu tư tương xứng nên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Hoạt động của các CLB phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa thường xuyên và mang tính chất lồng ghép các nội dung vào các buổi sinh hoạt của thôn, Hội phụ nữ…; nội dung, chủ đề sinh hoạt ít đổi mới nên kết quả đạt được chưa cao. Nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.