Ngày 15 tháng 4 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 2164/UBND-VX2 gửi Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ
Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu:
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và nhân dân trên địa bàn. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản chỉ đạo của Trung ương của tỉnh về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình như: Mô hình “phòng, chống bạo lực gia đình”; mô hình “Đội phản ứng nhanh” và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, cơ sở; chỉ đạo báo cáo về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện kinh tế – xã hội của sở, ngành, địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh): Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và bạo lực gia đình; tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tổng kết, đánh giá “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”, đề xuất Chương trình giai đoạn tới theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công an tỉnh: Xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình; nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình “Đội phản ứng nhanh” về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Viện Kiểm sát nhân nhân và Tòa án nhân dân cùng cấp xử lý các vụ việc do bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa vụ án xét xử công khai, lưu động để răn đe và xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính: Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Hướng dẫn và kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế: Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện chăm sóc y tế, tư vấn sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được khám và điều trị tại cơ sở y tế do ngành quản lý. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em thông qua Tổng đài 111; đồng thời thực hiện thống kê, báo cáo khi có yêu cầu. Đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình bằng việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nạn nhân bị bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình về các chính sách liên quan đến hướng nghiệp, đào tạo nghề nghiệp và giới thiệu việc làm khi có nhu cầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với trình độ đào tạo của các cấp học, bậc học.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tần suất truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là các điểm nóng về bạo lực gia đình; biểu dương những gương điển hình tiên tiến có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung chỉ đạo nêu trên, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương, cơ quan, đơn vị.