Ngày 17 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã xây dựng Báo cáo số 711/BC-SVHTT về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác gia đình ở tỉnh từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện quy mô gia đình ít con theo tiêu chí mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con; đảm bảo quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đau ốm.
Việc triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng động trong thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; bạo lực gia đình được kiểm soát hiệu quả; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Với hệ thống các giải pháp đồng bộ của tỉnh trên lĩnh vực công tác gia đình đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, mức sống gia đình ngày càng được nâng cao, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, tăng thêm thu nhập cho gia đình và phúc lợi xã hội; đặc biệt quan tâm đến điều kiện sống của các gia đình chính sách và hộ nghèo, gia đình vùng miền núi, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn. Do vậy, công tác gia đình ở địa phương đã từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và không có bạo lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng gia đình ở một số mặt có lúc, có nơi thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc triển khai thực hiện công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở gặp quá nhiều khó khăn, đặc biệt là ở cấp xã do biến động về nhân sự và chuyên môn của cán bộ triển khai công tác gia đình.
Công tác truyền thông, vận động ở một số nơi chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Nội dung và hình thức tuyên truyền chậm đổi mới nên chưa hấp dẫn, hiệu quả mang lại chưa cao; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại trong nhiều gia đình, kể cả ở thành thị dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Vẫn còn nhiều trường hợp kết hôn không đăng ký, tảo hôn, quan hệ tình dục và nạo, phá thai trước hôn. Tình trạng ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng rất nhanh.
Các dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình chủ yếu do các đơn vị công lập kiêm nhiệm thêm chức năng ở cấp huyện, cấp xã thực hiện; đồng thời, hoạt động dịch vụ về gia đình do người dân thực hiện mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu các quy định của pháp luật về định hướng, quy hoạch nên khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ, tư vấn cho người dân. Mặc dù đã có quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo cơ sở pháp lý cho việc đăng ký thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chưa thu hút được tổ chức, cá nhân tham gia (đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ xin đăng ký thành lập).