Ngày 05 tháng 3 năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Báo cáo số 22/BC-BCĐGĐ về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW
Trong 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và từ khi thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính Phủ về việc sáp nhập, hợp nhất các Sở, ngành. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp nhận công tác gia đình từ Uỷ ban dân số Gia đình và trẻ em. Ngành đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các hoạt động về lĩnh vực gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mỗi gia đình đã thực sự là tế bào, là hạt nhân tích cực của xã hội, các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống gia đình được giữ gìn và phát huy, các gia đình được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về cách ứng xử trong gia đình, về cách làm cha mẹ và giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng. Giáo dục mọi gia đình tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tham gia xây dựng hương ước, quy ước thôn, xóm, bản…. Các gia đình cùng nhau phát triển kinh hộ gia đình và nhân rộng các mô hình làm hay, điển hình, tình trạng bạo lực gia đình đã có những chuyển biến theo chiều hướng giảm, vai trò của người phụ nữ được đề cao, công tác chăm sóc cho người cao tuổi được quan tâm, trẻ em được chăm sóc và giáo dục, ngày càng nhiều gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Việc nghiên cứu và học tập, triển khai Chỉ thị số 49-CT/TW ở một số nơi còn chậm, chưa thường xuyên. Trong quá trình triển khai, sự chỉ đạo, phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, nên chất lượng của việc thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam chưa cao.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình thay đổi thường xuyên nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cán bộ làm công tác gia đình chưa được đào tạo chuyên ngành về gia đình và phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Công tác tham mưu, định hướng, chiến lược, dự báo tác động đối với lĩnh vực còn hạn chế.
Công tác thu thập dữ liệu, tổng hợp báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa được đầy đủ do cán bộ ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều đầu việc và luân chuyển thường xuyên.
Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở không thường xuyên, liên tục do đó sự hưởng ứng của nhân dân chưa cao. Nhận thức và vai trò trách nhiệm ở một số cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về công tác gia đình và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc còn hạn chế, còn vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội; Sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về lối sống trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới;
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về gia đình còn hạn chế, các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho cơ sở còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên tuyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình.
Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao thôn, xóm, bản còn thiếu dẫn đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền chưa cao.
Công tác xử lý thông tin và thu thập số liệu, cập nhật số liệu vào sổ theo dõi công tác gia đình ở các cấp cơ sở không được chú trọng quan tâm. Dẫn đến các số liệu về tình trạng hôn nhân, bạo lực gia đình… không được cập nhật chính xác.