Hòa bình không đơn giản chỉ là không có chiến tranh. Nhiều thành viên sống trong những khu vực bị phong tỏa, cách ly vì #COVID19 đang phải đối mặt với bạo lực, ở ngay nơi mà lẽ ra phải là nơi an toàn nhất: trong chính ngôi nhà của họ.
Ngày 5/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Manuel de Oliveira Guterres viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu.
Thông báo này xuất hiện sau khi có một số báo cáo từ các quốc gia về sự gia tăng bạo lực gia đình kể từ khi dịch bắt đầu. Khi người dân được yêu cầu ở nhà để hạn chế sự lây lan của virus corona, nguy cơ bạo lực từ người thân có thể sẽ tăng lên.
Bạo lực gia đình đến từ rất nhiều nguyên nhân, ở mọi đối tượng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Tâm lý tù túng và lo lắng về bệnh tật, thảm họa, nhiều người rơi vào cảnh mất việc, lo lắng về kinh tế đã gây ra tâm lý căng thẳng và gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác. Nếu trước đây khi Covid-19 chưa xuất hiện, cả hai vợ chồng đi làm không gặp nhau nhiều nên số lần bị bạo hành không nhiều thì trong thời gian nghỉ việc ở nhà tránh dịch trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ông chồng dành thời gian uống rượu, đánh đập, chửi bới và tấn công vợ mình.
“ Tại Trung Quốc, các báo cáo cho thấy tình trạng bạo hành gia đình tăng lên kể từ khi người dân bị hạn chế ra ngoài. Tỉnh Hồ Bắc ghi nhận số cuộc gọi báo cảnh sát tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn phong tỏa vào tháng 2.
Theo hãng tin AFP, số trường hợp bạo hành gia đình trên cả nước Pháp đã tăng lên hơn 30% kể từ khi quốc gia này thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 17/3. Chỉ riêng ở Paris, số ca bạo hành đã tăng đến 36%.
Tại Valencia, Tây Ban Nha, chỉ sau 5 ngày thực hiện cách ly, một người phụ nữ đã bị chồng sát hại trước mặt các con của họ.
Ở Brazil, tình trạng này cũng tương tự. Theo đài phát thanh Globo, một trung tâm tình thương đã tiếp nhận tin báo về bạo hành gia đình tăng vọt trong những khu cách ly với sự gia tăng 40% – 50% số vụ” (Theo Báo Tuổi trẻ).
Đối với Việt Nam, bạo lực gia đình trong mùa dịch cũng tăng lên đáng kể. Trên các trang thông tin điện tử, không khó để chúng ta nhìn thấy các bài tin về bạo lực gia đình. Ngày 14/3, cơ quan CSĐT Công an Thị xã Tràng Bàng, tình Tây Ninh cho biết, chị S (SN 1993) bị chồng bạo hành, ép quan hệ tình dục với tỷ lệ thương tật là 4%. The lời kể của chị S, chị bị chồng đánh đập dã man gây nhiều thương tích trên cơ thể. Ngoài ra, người chồng còn ép nạn nhân quan hệ tình dục. Chị nói: “Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm thể xác và tinh thần rất nặng nề. Trong lúc bị hành hạ, đánh đập, tôi đã cố la lên cầu cứu, nhưng không ai nghe thấy”. Sau đó, nạn nhân đã cầu cứu cha mẹ ruột nhưng cũng không thể giải quyết được vì bị chồng đe dọa (theo vov.vn).
Xuất phát từ thực tại đáng lo ngại của bạo lực gia đình trong mùa dịch, việc đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi này là vô cùng cần thiết cần thiết. Một số đề xuất giải pháp phòng, ngừa bạo lực gia đình trong mùa dịch phù hợp với tình hình Việt Nam như sau:
– Huy động sức mạnh dư luận xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Phổ biến sâu rộng Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các sản phẩm truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Giới thiệu, phổ biến các địa chỉ tin cậy và ngôi nhà bình yên ở các địa phương trên các phương tiện truyền thông như loa phát thanh, internet để nạn nhân bạo lực gia đình có thể tìm đến khi bị bạo hành.
– Xây dựng một đường dây nóng quốc gia cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.
– Đảm bảo việc thực hiện các biện pháp cách ly khỏi nghi phạm/thủ phạm, kết nối dịch vụ chăm sóc, trị liệu về tâm lý ngay lập tức đối với người là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình đang là vấn đề được báo động trên toàn thế giới, song song cùng cuộc chiến chống Covid-19. Không có bất cứ điều gì có thể biện minh cho bạo lực. Chúng ta cần lên án tất cả bạo lực của tất cả các hình thức và ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào
Vụ Gia đình