Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh. Có 6/10 huyện, thị xã thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” giai đoạn 2019-2020.
Từ tháng 8/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí với nội dung trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các thành viên trong gia đình hiểu và đăng ký thực hiện các tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình góp phần xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Các hoạt động đã triển khai như: Tổ chức Lễ phát động và đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019 đạt 100% (600/600 đại biểu) mục tiêu đề ra, cụ thể: 150/600 đại biểu (25%) đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử vợ chồng; 150/600 đại biểu (25%) đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử cha mẹ với con, ông bà với cháu; 150/600 đại biểu (25%) đại biểu đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử con với cha mẹ, cháu với ông bà; 150/600 đại biểu (25%) đại diện hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử của anh, chị, em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Bộ Tiêu chí thông qua nhiều hình thức cụ thể như: tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh; qua hình thức thông tin cổ động pano, áp phích; tiếp nhận, in ấn và cấp phát 5.000 tờ gấp tuyên truyền, 39 sổ tay và 14 USB với nội dung hướng dẫn thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” cho 10 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, lồng ghép trong hoạt động mô hình, câu lạc bộ hoặc các hoạt động sinh hoạt đoàn thể tại địa phương.
Việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019 đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ Tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.