Việc thực hiện “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI gắn với thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động số 41-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã mang lại nhiều kết quả, góp phần xây dựng đời sống, phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội.
Nhiều chuyển biến sau 5 năm thực hiện nghị quyết
Trong 5 năm qua, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý nghĩa các ngày lễ lớn, thành tựu của công cuộc đổi mới, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh đã góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng ý thức phòng, chống văn hóa ngoại lai không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Thông qua đó, nâng cao ý thức trong cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xem văn hóa là hạt nhân xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó, ngành giáo dục đã tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, phối hợp triển khai có hiệu quả các mô hình về xây dựng xã hội học tập, như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”. Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, nâng cao nhận thức, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm độc hại trong văn hóa.
Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam theo phương châm: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Qua đó, đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình từ 140 vụ năm 2014 xuống 90 vụ năm 2018.
Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, thực hiện các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, quy định nghề nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước được triển khai nghiêm túc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh.
Gắn phát triển kinh tế với văn hóa, Tây Ninh đã nỗ lực từng bước nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh để đến năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, đã và đang đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thành khu du lịch đặc sắc, mang tầm quốc tế, giữ vai trò trung tâm, có sức lan tỏa lớn để phát triển du lịch của tỉnh.
Quan tâm việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với loại hình tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chăm, dân tộc Khmer và tộc người Tà Mun; truyền dạy múa trống Chhay Dăm tại Nhà Văn hóa dân tộc Khmer xã Trường Tây, huyện Hòa Thành; phát hành đĩa CD về chủ đề “Tây Ninh hôm nay” để quảng bá hình ảnh con người, quê hương Tây Ninh; lập hồ sơ đề nghị Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen; tổ chức thực hiện Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020 được triển khai tốt.
Các lễ hội của Phật giáo, Cao đài, Công giáo, Hồi giáo ở địa phương được gìn giữ, phát huy; mở lớp truyền dạy Đờn ca tài tử ở một số điểm trường trung học phổ thông, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu Đờn ca tài tử với các tỉnh, thành phố góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc và tôn giáo…
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ; đồng ý thành lập giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng, trao giải thưởng 5 năm một lần cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh (năm 2016 đã tổ chức lần thứ II).
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, thông tin; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở, quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa, bảo đảm phát triển lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của nhân dân.
Hằng năm, tổ chức nhiều chương trình hoạt động giao lưu giữ vững mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia; tăng cường tổ chức các hoạt động phúc lợi xã hội, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, các hoạt động tìm hiểu về nghệ thuật, văn hoá, truyền thống phong tục tập quán, lịch sử… Đồng thời, triển khai chính sách xã hội hóa, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển các loại hình văn hóa, thể thao, du lịch.
Thông qua việc ký kết hợp tác, trao đổi, cung cấp các thông tin về du lịch với các tỉnh, khu vực và thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng du lịch Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Vương quốc Campuchia; tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, tổ chức lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (lần I/năm 2016; lần II/năm 2018), hội Xuân núi Bà Đen (Mùng 4 tháng Giêng hằng năm)… tỉnh đã giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người Tây Ninh cho bạn bè trong và ngoài nước.
Đề cao vai trò của Gia đình
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn chưa thường xuyên, liên tục; nội dung chưa sát với từng đối tượng, có nơi còn mang tính rập khuôn, hình thức, kết quả còn hạn chế, chưa toàn diện. Một số phong trào chất lượng chưa cao, có nơi còn hình thức; việc xét công nhân danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” có nơi, có lúc chưa đúng thực chất, còn biểu hiện chạy theo chỉ tiêu, thành tích…
Để thực hiện tốt hơn 6 nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 33-NQ/TW, trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 41-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đẩy mạnh giáo dục, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là của người đứng đầu trong thực hiện các chủ trương, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.
Hai là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, con người có lối sống văn hóa, gắn xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả bình xét thi đua hằng năm của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định xây dựng con người và gia đình văn hóa là khâu đột phá để phát triển văn hóa; đồng thời, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình gắn với tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, văn học – nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Thông qua các chương trình giao lưu, quảng bá để xúc tiến đầu tư, nghiên cứu văn hóa giữa Tây Ninh với các tỉnh giáp biên giới Vương quốc Campuchia, giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh con người, quê hương Tây Ninh với bạn bè quốc tế.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, ấp, khu phố văn hóa. Tiếp tục triển khai nghiêm túc việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đồng thời, phát hiện, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiêu biểu, các mô hình người tốt, việc tốt có nhiều đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa./.
Nguyễn Minh Triều
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh/Nguồn: tuyengiao.vn