Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến thế hệ trẻ, đồng thời cũng là nguyên nhân làm tổn hại sức khỏe, tinh thần, ảnh hưởng đến sự bền vững của hạnh phúc gia đình. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) và thực hiện sự chỉ đạo của trung ương về công tác này, cả nước nói chung tỉnh, Tây Ninh nói riêng với tinh thần quyết tâm tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCBLGĐ, triển khai có hiệu quả Luật PCBLGĐ nhằm góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn khu dân cư.
Công tác triển khai thi hành Luật PCBLGĐ được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, UBND các cấp, đưa nội dung công tác gia đình, PCBLGĐ vào chương trình, kế hoạch hàng năm. Thành lập đội ngũ cộng tác viên làm công tác thu thập xử lý thông tin và PCBLGĐ ở các ấp, khu phố từ tháng 5/2013 và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên có đội ngũ cộng tác viên này.
Tây Ninh đã tổ chức nhiều đợt quán triệt, tuyên truyền thực hiện Luật PCBLGĐ đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Công tác tuyên truyền chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức về PCBLGĐ cho cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân thường xuyên được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Đã thực hiện 07 cụm pano tường; 4.830 băng ron; 385 lượt xe loa tuyên truyền cổ động PCBLGĐ; 21.300 bộ tài liệu hỏi đáp Luật PCBLGĐ; 1.800 quyển sổ tay nội dung sinh hoạt; 170.200 tờ gấp; 1.680 đĩa CD; 20.000 quyển sổ tay hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình. Phát hành được 42.500 tờ phụ trương Báo Tây Ninh; Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện phóng sự chuyên đề định kỳ, chương trình tọa đàm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền PCBLGĐ. Tổ chức 01 Lễ ra quân chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11)…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Luật PCBLGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp huyện, xã thường xuyên thay đổi, thiếu tính ổn định dẫn đến tình trạng thiếu kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu trong lĩnh vực gia đình; nguồn kinh phí bố trí cho công tác gia đình cấp huyện, thành phố ở mức thấp không tương xứng với khối lượng công việc được giao; cấp xã, phường, thị trấn hiện nay chưa bố trí kinh phí thực hiện; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra.