Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị số 475/CT-UBND về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Tỉnh
Theo đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, đơn vị nên kết quả ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách hỗ trợ việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được triển khai; tỷ lệ hộ nghèo giảm; số gia đình văn hóa, gương người tốt việc tốt tăng; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình được tập huấn hàng năm; người dân ngày càng ý thức được trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình; tình trạng vi phạm bình đẳng giới, bạo lực gia đình đã được hạn chế; công tác gia đình được triển khai lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập: tình trạng phân hóa giàu nghèo, sự xuống cấp về một số giá trị đạo đức, lối sống; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo; tình trạng sống thử, số gia đình trẻ ly hôn vẫn còn; việc triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình ở một số nơi chưa đồng bộ.
Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng đến sự phát triển gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, làm suy yếu động lực phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhằm phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng phù hợp với nhu cầu của người dân; triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng, nâng chất lượng hoạt động và hướng dẫn nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình; phát động phong trào thi đua về công tác gia đình. Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình; trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”, đề xuất UBND tỉnh về chương trình, kế hoạch giai đoạn tới. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo kết luận số 26-TB/TW, ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các Đề án của Chiến lược; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; Kế hoạch triển khai việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình…Nghiên cứu các nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản dưới Luật vào năm 2022. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Công an tỉnh Xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình. Xây dựng mô hình Đội phản ứng nhanh về
phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao giáo dục pháp luật cho người gây bạo lực gia đình. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự.
Sở Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị theo quy định.
Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình.
Sở Y tế Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở. Hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc chăm sóc y tế và tư vấn sức khỏe cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp bệnh nhân là nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, nhất là thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp nhận thông tin, thực hiện tốt quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, bị bạo lực gia đình.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với trình độ đào tạo của các cấp học.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí tăng thời lượng, tần suất truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là các điểm nóng về bạo lực gia đình; biểu dương những tấm gương điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình chủ động tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương quản lý. Chỉ đạo triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình tại địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình đội phản ứng nhanh và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo báo cáo về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện kinh tế – xã hội tại địa bàn quản lý.