Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 304/KH-SVHTTDL ngày 18 tháng 02 năm 2020 về việc Triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2020.
Mục tiêu của Kế hoạch nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân gia đình, tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích phát huy các giá trị truyền thống phong tục tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Về đối tượng triển khai: Các thành viên trong gia đình, các nhóm đối tượng tại thôn, ấp triển khai thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Mô hình); cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn thực hiện Mô hình; cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình các cấp, ban quản lý Mô hình và hội viên tham gia thực hiện Mô hình; cán bộ làm công tác truyền thông, báo chí, đài phát thanh truyền hình.
Về địa bàn triển khai: Năm 2020, Mô hình sẽ được triển khai tại 7 xã: Xã Đồng Nai, xã Phú Sơn, xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng); xã Tân Hưng, xã Tân Tiến (huyện Đồng Phú); xã Phú Nghĩa, xã Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập).
Cấp tỉnh: Khảo sát địa bàn triển khai Mô hình. Tổ chức tập huấn triển khai Mô hình. Tổ chức giám sát, hỗ trợ địa bàn triển khai Mô hình.
Cấp huyện: Phòng Văn hóa và Thông tin tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Cấp xã: Ở mỗi thôn, ấp các địa bàn triển khai thành lập 01 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ có khoảng 20 – 50 cặp vợ chồng tự nguyện tham gia sinh hoạt. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ: có từ 3 đến 5 thành viên bao gồm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, thư ký và ủy viên. UBND cấp xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ, đồng thời ban hành quy chế sinh hoạt Câu lạc bộ. Địa điểm sinh hoạt: Linh hoạt tuỳ theo thực tế từng địa bàn triển khai, có thể tại trụ sở nhà văn hoá xã/phường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thành viên Ban chủ nhiệm hoặc nhà các thành viên Câu lạc bộ… Mỗi ấp thành lập 01 Nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình có từ 3 đến 7 thành viên do trưởng thôn/ấp hoặc công an viên làm nhóm trưởng chọn từ các thành phần sau: Công an viên, Ban công tác Mặt trận, Hội cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhân viên y tế thôn, bản,…. UBND cấp xã ra quyết định thành lập nhóm xung kích đồng thời ban hành quy chế hoạt động của nhóm xung kích đảm bảo tính hợp pháp. Tăng cường chuyển tải các thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình đến các thôn, ấp thông qua các phương tiện truyền thanh.