Để phòng, chống xâm hại trẻ em, Tổng cục Du lịch đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Công an triển khai Đề án nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến và can thiệp, trợ giúp trẻ em bị lạm dụng tình dục trực tuyến;
Thứ hai: Tuyên truyền, phố biến pháp luật về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phố biến pháp luật và trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong ngành về phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, với đầy đủ các bên tham gia: các cơ quan quản lý, các chủ cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch ở cả 3 miền và những nơi trọng điểm du lịch, các vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, phổ biến rộng rãi để các đơn vị trong ngành nâng cao cảnh giác, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng:
Phát động bảo vệ trẻ em trong cộng đồng du lịch trên các phương tiện truyền thông chủ chốt: báo, tạp chí du lịch, website, sách mỏng.
Tập huấn các đối tượng thường tiếp xúc với khách du lịch (lễ tân, buồng phòng, hướng dẫn viên…) các trường hợp điển hình (case study), nâng cao cảnh giác, ngăn chặn hành vi phạm tội, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng.
Thứ tư, phát huy vai trò của các trung tâm thông tin du lịch, các đường dây nóng nhận và kịp thời xử lý thông tin khi có trẻ em bị xâm hại từ khách du lịch hoặc qua con đường du lịch.
Thứ năm, không sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt trong các khu vực nhạy cảm dễ bị xâm hại như quán bar, cơ sở mát xa, vũ trường… Ở nhiều nơi ,việc trẻ em giúp đỡ gia đình, ngoài giờ học đi làm thêm rất phổ biến, đặc biệt là những trung tâm snr xuất đồ thủ công mỹ nghệ, bán hàng lưu niệm, nhà hàng. Việc quản lý trẻ và sử dụng lao động vừa sức cần được thực hiện chặt chẽ.
Các giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu xâm hại trẻ em nằm trong tổng thể các hoạt động cần sự kết hợp và triển khai đồng bộ. Chúng ta cần xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em hoàn chỉnh trên cơ sở tăng cường chính sách và thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em gặp nhiều khó khăn tại cộng đồng nhằm hạn chế trẻ có nguy cơ bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại; Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát, đánh giá công tác bảo vệ trẻ em; Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Việt Nam có tương đối đủ văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, thực hiện có hiệu quả chương trình, sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp nếu trẻ em bị xâm hại.
Để đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em cần có sự nhận thức, vào cuộc của không chỉ ngành du lịch mà cả hệ thống chính trị, của tất cả các ngành các cấp, từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các lực lượng công an, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tổ chức quốc tế.