Rõ ràng, vấn đề xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu. Trong đó, giải pháp để phòng ngừa xâm hại trẻ em một phần vô cùng quan trọng phải xuất phát từ gia đình. Một gia đình đủ đầy, trọn vẹn yêu thương sẽ chính là nơi an toàn giúp trẻ phòng ngừa được các nguy cơ bị xâm hại.
Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện đại, mô hình gia đình khuyết thiếu đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đó là những gia đình ly hôn, tan vỡ; gia đình đa huyết thống (mẹ kế, bố dượng, con chung, con riêng); những gia đình di cư (con cái không sống chung với bố hoặc mẹ) … Nhiều vụ xâm hại trẻ em đã xuất phát từ những gia đình khuyết thiếu này.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng các vụ ly hôn đã xét xử tại Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2013, có 18.308 vụ ly hôn, con số này theo tính toán sơ bộ năm 2017 đã là 27.948 vụ (tăng gần 10 nghìn vụ). Sự tan vỡ của các cuộc hôn nhân làm gia tăng các mô hình gia đình đa huyết thống (mẹ kế, bố dượng, con anh, con em, con chúng ta) hoặc khuyết thiếu cha hoặc mẹ. Những phức tạp trong đời sống gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em và cũng hình thành những mối nguy cơ về xâm hại trẻ em ngay trong các gia đình mới.
Cùng với nhóm gia đình không hoàn thiện trong hôn nhân, các mô hình gia đình di cư (con cái không sống chung với bố hoặc mẹ) cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro với trẻ em. Tại Việt Nam, trong những năm qua, làn sóng di cư nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Trẻ em sống trong các hộ gia đình có người di cư thường chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của bố/mẹ, có thể gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống, bị bạo hành hoặc xâm hại thân thể, tình dục. Đã có không ít trường hợp trẻ em sống trong các gia đình bố/mẹ đi làm ăn xa, đã trở thành nạn nhân bị xâm hại (thể chất, tinh thần) của chính những người chăm sóc mình (bố/mẹ, ông/bà, hàng xóm, họ hàng thân quen…). Đã không ít vụ xâm hại bị bỏ lọt vì gia đình không dám tố cáo hành vi xâm hại trẻ nhỏ của người thân mình; không ít người bà, người mẹ đã phải gạt nước mắt trên hành trình tìm công lý cho con – nạn nhân bị xâm hại bởi chính cha đẻ hay ông nội của cháu. Theo Bộ Công an các nạn thân trong các vụ xâm hại thường là trẻ nhỏ sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế…, nhiều trường hợp nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân hoặc dược cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại.
Mặc dù không phải mọi đứa trẻ sống trong gia đình khuyết thiếu đều không thể phát triển tốt về nhân cách, trình độ như các gia đình bình thường khác. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó môi trường giáo dục trong gia đình cũng như hoàn cảnh gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Hoàn cảnh gia đình có thể trở thành chất xúc tác đẩy trẻ em trở thành hung thủ hoặc nạn nhân bị xâm hại. Nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự ở 4 khu vực (Bắc, Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) của nước ta cho thấy có tới 40,7% đối tượng sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số bố mẹ ly hôn).
Đáng chú ý, gia đình khuyết thiếu không chỉ biểu hiện ở sự khuyết thiếu về số lượng. Thực tế khuyết thiếu về tình yêu thương, khuyết thiếu về nhận thức hay nhân cách, đạo đức của các thành viên trong gia đình cũng đẩy trẻ em đến gần hơn với các nguy cơ bị xâm hại hoặc đi xâm hại người khác. Tình yêu thương ở đây cũng không chỉ là tình yêu thương, quan tâm của bố/mẹ đối với con cái mà còn là tình yêu thương giữa bố và mẹ cũng tác động đến tâm sinh lý, tính cách và đời sống của đứa trẻ. Kết quả từ cuộc khảo sát tội phạm vị thành niên từ năm 2007-2011 cho thấy có tới 76,5% tổng số tội phạm vị thành niên có mâu thuẫn với gia đình. Khi tình cảm, sự kết nối giữa các bậc cha mẹ với con cái đã bị ngắt quãng, suy giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của đứa trẻ, khiến trẻ dễ dàng bị lôi kéo, sa ngã vào con đường sai phạm.
Mâu thuẫn, bạo hành gia đình, bạo hành với con cái không chỉ tạo ra những tổn thương về thể xác mà còn là những tổn thương tinh thần khó xóa bỏ trong cuộc đời của trẻ em. Để rồi không chỉ là nạn nhân, nhiều trẻ em đã trở thành hung thủ “nối tiếp” sự bạo hành này đối với người khác. Theo tổ chức Tầm nhìn thế giới cho biết mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực và xâm hại cần hỗ trợ, can thiệp, khoảng 700 trường hợp trong số đó bị bạo hành, 91,7% là bạo hành về thân thể. Đáng buồn khi có xấp xỉ 60% trẻ em bị bạo hành nằm ở nhóm 0-10 tuổi – độ tuổi chưa có nhiều nhận thức và hiểu biết về cách thức phòng vệ cho bản thân.