Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống XHTD trẻ em. Từ tiếp cận quyền cho thấy, gia đình là chủ thể chính chịu trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em khỏi mọi hình thức bị lạm dụng, xâm hại. Trong khi đó, xem xét từ góc độ chức năng của gia đình cho thấy, chức năng về bảo vệ trẻ em và xã hội hóa trẻ em đặt ra các trách nhiệm của gia đình trong việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho trẻ em để phòng ngừa những rủi ro trong môi trường sống và tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ, trong đó có những vấn đề liên quan đến XHTD trẻ em.
Trong quá trình thực hiện các vai trò, trách nhiệm của gia đình đối với bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ, rủi ro về XHTD, các gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, rất đáng quan tâm là các thách thức liên quan đến sự thiếu hụt các kiến thức, kỹ năng cần thiết để trang bị cho trẻ em nhận biết được các nguy cơ, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các hành vi XHTD. Bên cạn đó là các thách thức liên quan đến sự thiếu thời gian của cha mẹ dành cho việc chăm sóc con cái. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại do thiếu sự giám sát của người lớn, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới mối gắn kết giữa cha mẹ và con cái- trẻ em, tạo nên các nguy cơ cha mẹ không biết, hoặc không can thiệp kịp thời khi trẻ em bị trải nghiệm các hành vi bị XHTD ở các mức độ khác nhau, và các khó khăn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội, đặc biệt là sang chấn tâm lý, trầm cảm và các biểu hiện tiêu cực khác của sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Cũng cần khẳng định rằng vai trò của gia đình trong phòng, chống XHTD trẻ em là vấn đề rất rộng lớn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố, nhiều bên liên quan, ở các cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, bao gồm cả các tác động từ thể chế, chính sách, sự phối hợp của gia đình với nhà trường, các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em, và các tác động từ chuẩn mực văn hóa, các giá trị giới v.v.. mà báo cáo này chưa có điều kiện để thảo luận./.