Trong cuộc chiến phòng chống xâm hại trẻ em, việc cần làm của các thành viên trong gia đình đó là:
Sống với sự yêu thương
Bất kì ai cũng đều cần sự yêu thương, chăm sóc của những người xung quanh mình. Đối với con trẻ cũng vậy, trẻ em sinh ra là để yêu thương và học cách yêu thương. Tình yêu thương của ông/bà, cha/mẹ sẽ giúp cho trẻ có được môi trường sống an toàn và tốt đẹp hơn. Hãy yêu thương nhau, yêu thương trẻ và dạy trẻ cách yêu thương đó chính là cách thức tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng xâm hại và bạo hành đối với trẻ em.
Ông, bà, cha, mẹ là tấm gương cho con cái
Gia đình chính là trường học đầu tiên của mỗi đứa trẻ, ông, bà, cha, mẹ là những người thầy, người cô hình thành nên nét nhân cách đầu tiên trong cuộc đời của trẻ em. Do đó, muốn trẻ học được điều tốt, có nhân cách, đạo đức tốt, ông, bà, cha, mẹ, những người lớn trong gia đình cần phải là tấm gương tốt cho con trẻ noi theo.
Giáo dục phòng tránh xâm hại trẻ em
“Phòng bệnh tốt hơn là chữa bệnh”, vì vậy nên việc giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em của gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, quan trọng cần xác định rõ: thời điểm giáo dục, đối tượng giáo dục; cách thức giáo dục và nội dung giáo dục mà cha mẹ cần truyền tải đến với các em. Giúp các em ở các độ tuổi khác nhau, từng bước hình thành được cách thức/bản năng phòng vệ riêng của bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo hành.
Nâng cao kỹ năng ứng phó với xâm hại trẻ em
Trẻ em bị xâm hại thường ở độ tuổi con nhỏ, năng lực nhận thức và tự vệ còn nhiều thiếu hụt. Chính bởi vậy, các bậc cha mẹ phải là người nắm vững những kỹ năng phát hiện và ứng phó với tình trạng trẻ em bị xâm hại. Những kỹ năng ứng phó cần thiết như: kỹ năng phát hiện những khác thường ở trẻ nhỏ; kỹ năng hỗ trợ tâm lý cho con; kỹ năng động viên để con chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, vượt qua nỗi đau bị xâm hại; kèm theo đó là kiến thức về pháp luật về tố giác tội phạm.
Hơn tất cả tình yêu thương và sự dạy bảo ân cần từ gia đình sẽ tạo nên bức tường vững chắc giúp ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em