Trao đổi với trẻ về các hành vi nguy cơ để bảo vệ trẻ em được xem là biện pháp thiết thực để nâng cao nhận thức của trẻ em trong phòng ngừa các nguy cơ từ bên ngoài xã hội, thể hiện trách nhiệm của cha mẹ trong quyền bảo vệ trẻ em từ phía gia đình. Nghiên cứu do Viện NC Gia đình chủ trì về thực hiện quyền trẻ em trong gia đình cho thấy hành vi nguy cơ được nhiều cha mẹ nói chuyện với con cái nhiều nhất là nguy cơ “Đua đòi/ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội/ phạm pháp” (71,8%); tiếp đến là hành vi như thất học/có nguy cơ mù chữ (52,1%); bị lôi kéo sử dụng các chất gây nghiện (47,4%); bị buôn bán/ bắt cóc (44,1%); nghiện game online và bị quấy rối/ xâm hại tình dục đều có tỷ lệ là 42,1%; 3 hành vi có tỷ lệ nói chuyện thấp hơn là bị bạo lực/ bắt nạt (36,8%), quan hệ tình dục trước hôn nhân (23,5%) và bị lạm dụng lao động (13,5%). Ngoài ra, việc trao đổi với trẻ về các mối nguy cơ cũng có khác nhau về mức độ. Một số hành vi nguy cơ trẻ được dạy ở mức độ hàng ngày đến vài lần một tuần nhiều nhất là đua đòi/bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội/phạm pháp, trong khi việc hướng dẫn thường xuyên các hành vi nguy cơ khác như: bị quấy rối/ xâm hại tình dục, quan hệ tình dục trước hôn nhân và bị lạm dụng lao động rất thấp với tỷ lệ dao động từ 15,6% đến 21,8%. Các con số này cho thấy các gia đình trong mẫu khảo sát quan tâm trao đổi với trẻ em vị thành niên nhiều nhất là bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội/phạm pháp, trong khi đó mối quan tâm của gia đình về các nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục còn khiêm tốn.
Một nghiên cứu về phụ nữ và gia đình khác cũng có nhận xét tương tự “đa số các bậc phụ huynh hiện nay sự hiểu biết về giới tính và tình dục cũng hết sức nghèo nàn.” và “Đối với con cháu, các bậc cha mẹ lại càng không bao giờ đả động đến chuyện tình dục vì như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”, “vấn đề cấm kỵ trong giáo dục gia đình.”
Cha mẹ ít trao đổi với con cái về kỹ năng sống và còn lảng tránh trao đổi về chủ đề tình dục, sức khỏe sinh sản là một trong những hạn chế của gia đình trong việc thực hiện các trách nhiệm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em về các nguy cơ của XHTD và các kỹ năng bảo vệ bản thân. Tuổi vị thành niên có nhu cầu rất cao trong việc được trang bị kiến thức và kỹ năng để ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống, cũng như hiểu được các vấn đề về dậy thì, tình yêu, tình dục và sức khỏe sinh sản, tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu đã phản ánh, cha mẹ còn ít trò chuyện với con cái về các chủ đề kỹ năng sống (một phần do không thấy tầm quan trọng như việc học tập ở trường, cách ăn mặc, phòng ngừa tệ nạn xã hội), còn lảng tránh trao đổi và cung cấp cho con cái vị thành niên các kiến thức về tình yêu, tình dục, tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản (một phần do quan điểm về việc không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, một phần còn e ngại vì cho rằng đây là điều tế nhị, và một phần do khó khăn không biết phải nói/truyền đạt cho con thế nào). Đây là một cản trở lớn đối với nhu cầu được xã hội hóa, được hiểu biết và rèn luyện về các kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, cũng như sự phòng tránh các rủi ro và các nguy cơ như có thai ngoài ý muốn, bị mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục, bị xâm hại tình dục, và phần nào giải thích cho hiện tượng đang gia tăng về số vụ trẻ vị thành niên phạm tội XHTD với trẻ em. Nghiên cứu của Nguyễn Phương Thảo (2008) đưa ra quan điểm rằng, nhiều trẻ em lứa tuổi học sinh chưa có kiến thức về giới tính, về các vấn đề tình dục, tạo cho các em cảm giác tò mò hơn về vấn đề này, và đây là lý do khiến tình trạng hiếp dâm trẻ em của người chưa thành niên trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.