Căn cứ vào kết quả khảo sát tỉ lệ gia đình trung lưu ở Việt Nam xét theo mức thu nhập bình quân đầu người là khá cao: 71% và 45% khi xét thêm yếu tố học vấn (GĐTL2). Các tỉ lệ này có thể co giãn tùy vào định nghĩa nghĩa và các ngưỡng/các chiều được tính đến.
Cơ hội phát triển và di động xã hội để gia nhập gia đình trung lưu là khá đồng đều cho các nhóm tuổi. Song vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để các gia đình trung lưu ổn định việc làm, gia đình, có tích lũy. Vì vậy độ tuổi trung bình của các chủ hộ gia đình trung lưu hơi lệch về nhóm tuổi “trung niên”: Hơn 2/3 chủ hộ gia đình trung lưu từ 40 tuổi trở lên, chủ hộ gia đình trung lưu trẻ dưới 30 tuổi chỉ có 6,6%. Về học vấn gần 2/3 chủ hộ gia đình trung lưu có học vấn từ trung học phổ thông trở lên. Các gia đình trung lưu cũng bao gồm hầu như tất cả các nhóm nghề nghiệp, do phát triển đã có nhiều cơ hội di động lên thành viên tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên trong thời kỳ chuyển đổi hiện nay tỷ trọng chủ hộ gia đình trung lưu thuộc các nhóm nghề nghiệp “cũ” đang chiếm đa số, mặc dù cấu trúc này đang thay đổi theo hướng cân bằng hơn do kết quả của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Trong việc quyết định những công việc quan trọng trong gia đình, các gia đình trung lưu thể hiện mức độ bình đẳng giới khá cao với đa số các gia đình trung lưu khẳng định gia đình họ đang ứng xử theo mô thức “cả hai vợ chồng cùng quyết định”. Đáng chú ý là các gia đình trung lưu có sự bình đẳng giới cao hơn không chỉ so với các gia đình dưới trung lưu mà còn cao hơn cả các gia đình giàu có. Đây có thể là điểm trội của gia đình trung lưu về bình đẳng giới.
Trong việc quyết định những công việc của con hoặc liên quan đến chúng, đa số các gia đình trung lưu ứng xử theo mô thức “cha mẹ và con cái cùng quyết định hoặc con cái được tự quyết định”. Như vậy quan hệ cha mẹ con cái trong các gia đình trung lưu có tính bình đẳng khá cao. Mức độ bình đẳng giữa cha mẹ và con cái trong gia đình trung lưu càng cao khi gia đình càng khá giả và có học vấn cao.